Thủ tướng: Quyết liệt phòng chống dịch nCoV, nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô

Xuân Lan| 05/02/2020 16:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là cùng với việc thực hiện quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch nguy hiểm, tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ.

Thủ tướng: Quyết liệt phòng chống dịch nCoV, nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ tri phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020

Ngày 5/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ đầu tiên của năm “về đích” 2020 trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) bùng phát tại Trung Quốc và lây nhiễm tại một số nước, trong đó có Việt Nam.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch do virus Corona

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại một số nét chính của công tác phục vụ Tết cho người dân; đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt và thực tế chúng ta đã có Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), Thủ tướng cho biết, chúng ta đã thành lập sớm Ban chỉ đạo quốc gia, có nhiều động thái khác nhau chỉ đạo phòng chống dịch chủ động, toàn diện, mạnh mẽ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, có thể hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng cho rằng, trong lúc khó khăn như vậy, việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo phòng chống dịch đến người dân khá quyết liệt.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta không thể không có giải pháp mạnh mẽ để bảo đảm phát triển vì năm nay, chúng ta cam kết tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội giao. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ về tác động của dịch nCoV đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu năm nay.

Theo một số thống kê, trong 7 ngày Tết, ngành dịch vụ của Trung Quốc đã sụt giảm 144 tỷ USD, GDP có thể giảm mấy phần trăm. Với thế giới, nhiều thị trường chứng khoán giảm điểm. Với Việt Nam, các ngành hàng không, du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu giảm.

Trong quý I/2020, chúng ta có thể giảm tăng trưởng, trước hết là tháng 1, tháng có kỳ nghỉ Tết dài ngày, mà theo nghiên cứu, ước tính ban đầu, có thể giảm tăng trưởng GDP trong quý I/2020 khoảng 1%. Nếu kinh tế Trung Quốc giảm sâu cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.

“Trong bối cảnh như vậy, tinh thần và thái độ của chúng ta như thế nào, đó là câu hỏi đặt ra tại phiên họp Chính phủ hôm nay”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất. “Có thể nói, những người chống dịch là những chiến sĩ xung kích bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những người sản xuất, kinh doanh để tăng cường bù đắp sự thiếu hụt cho nền kinh tế cũng là những người dũng cảm tiên tiến. Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để giảm sâu tăng trưởng trong điều kiện có thể”. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Vì vậy, thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân...

Sau khi lắng nghe ý kiến các bộ, ngành phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, diễn biến của dịch nCoV còn phức tạp, khó lường, mà theo một số nhận định có thể vào đỉnh dịch trong tuần tới và dịch có thể kéo dài. Vì vậy, tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động; ổn định xã hội đồng thời chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả các mặt trận từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội. Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ. “Chúng ta đã thảo luận, cơ bản thống nhất: Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Thủ tướng nói.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống, không được để dịch bệnh lây lan, coi việc phòng chống dịch như chống giặc. Có kịch bản, phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân.

Triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của bệnh dịch này, có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2020.

Chính phủ đã thảo luận và nhấn mạnh vừa chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm, vừa đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế thống nhất với các tỉnh có cửa khẩu để triển khai kế hoạch đồng bộ, nhất là Lạng Sơn, Lào Cai; xử lý một cách chặt chẽ để không được lợi dụng chủ trương này khiến dịch lây nhiễm.

Các bộ có liên quan phải có kế hoạch chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến phát triển.

Ban chỉ đạo quốc gia và ban chỉ đạo các địa phương, UBND các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo, yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tăng cường tiêu độc khử trùng nơi đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, chung cư. Tiếp tục hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người không cần thiết, trừ trường hợp phục vụ chống dịch.

Không được chủ quan, lơ là, nói rằng chúng ta đã thành công rồi thì chưa đâu, vì chưa đến đỉnh dịch, Thủ tướng nêu rõ.

Có giải pháp mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra

Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhiệm vụ này là một thử thách đối với bản lĩnh, sự quyết tâm của chúng ta. Đồng thời, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỉ giá, xuất khẩu. “Chúng ta đưa ra mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm nay, thì một tháng phải xuất khẩu gần 30 tỷ USD, rất lớn, cho nên sơ sẩy là rất phức tạp”, Thủ tướng nói, nhấn mạnh phải phấn đấu đạt toàn diện mục tiêu đề ra.

Phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội theo kịch bản mới. Chủ động tìm kiếm thị trường. Chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không ngành nào được dừng lại. “Nền tảng của chúng ta rất tốt trong năm 2019, chưa bao giờ Việt Nam có vị thế lớn như vậy. Chúng ta cần tiếp tục phát huy nền tảng ấy, nhất là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”, Thủ tướng bày tỏ. Chúng ta phải vượt qua khó khăn này để một lần nữa “mặt trời tiếp tục tỏa nắng ở Việt Nam”.

Hệ thống hành chính cả nước, từ Trung ương đến địa phương tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ, các công việc đề ra, bám sát thực tiễn và các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương theo quý và cả năm để có biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện nhiệm vụ 2020.

Tiếp tục quan tâm xử lý hậu quả mưa đá tại Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ, đồng thời tiếp tục quan tâm xử lý tốt hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Vì vậy công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính cần tiếp tục được chú trọng, coi là trọng tâm của năm 2020. Các chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở bước phát triển kinh tế-xã hội thì phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ.

Chính phủ khẳng định rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành là cùng với việc thực hiện quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch nguy hiểm, tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh, đưa ra các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hằng quý và cả năm 2020, có giải pháp mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Điều hành, vận dụng linh hoạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV.

Theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường để có giải pháp phù hợp, hạn chế sự tăng giá bất thường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Thủ tướng nhấn mạnh, không tăng giá điện, dịch vụ công. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh đầu tư công. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu công khai, minh bạch qua mạng. Sớm hoàn thiện trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP.

Cần cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1/2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1/2020). Trong đó, nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán.

Hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí.

PMI ngành sản xuất của Việt Nam tháng 1/2020 đạt 50,6 điểm, thể hiện sự cải thiện nhỏ về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, số lượng đặt hàng mới tiếp tục tăng; tuy nhiên đây là điểm thấp nhất trong 6 năm qua. Chỉ số này vẫn cao hơn chỉ số PMI ASEAN chỉ đạt 49,8 điểm (cao hơn tháng 11/2019 0,1 điểm); báo hiệu sức khỏe của lĩnh vực sản xuất trong ASEAN tiếp tục suy giảm.

Bước vào năm 2020, Việt Nam đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi chưa xử lý dứt điểm. Dịch nCoV diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Quyết liệt phòng chống dịch nCoV, nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô