Phú Thọ sẽ có lộ trình phấn đấu giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, sớm gia nhập câu lạc bộ các địa phương tự cân đối được ngân sách trong vòng 5 năm tới, Thủ tướng kỳ vọng.
Sáng nay (27/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với chủ đề “Xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc”.
Trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng các kết quả mà Phú Thọ đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020. Từ một thành phố thường hay được nói vui là “thành phố 4B-bụi, bẩn, bé, bùn”, TP. Việt Trì hiện đã đổi thay rất lớn, là một thành phố non nước hữu tình, rất ấn tượng trong phát triển đô thị sinh thái. Trước đây Việt Trì chỉ có một con đường xuyên tâm thì đến nay đã có 4 tuyến đường lớn, nhiều nhà cao tầng, nhiều hồ nước, nhiều công trình hạ tầng kinh tế-xã hội…
Hệ thống hạ tầng giao thông của Phú Thọ, các tuyến đường đi các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, đi lên đền Mẫu Âu Cơ, Hạ Hòa, kết nối với Yên Bái bằng hệ thống cao tốc trên 60 km/h và sắp tới sẽ kết nối với Tuyên Quang. Đây cũng là nền tảng cho phát triển tương lai của Phú Thọ.
Cùng với đó là đời sống của nhân dân Phú Thọ được nâng lên rõ rệt, từ thành phố đến nông thôn. Tỉ lệ hộ nghèo giảm hẳn, mức giảm cao hơn bình quân cả nước.
Thủ tướng cũng nêu rõ Phú Thọ vẫn chưa cân đối được thu chi ngân sách. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực nhưng vẫn chậm, chất lượng của từng lĩnh vực còn hạn chế như sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, trình độ còn thấp, thiếu sự liên kết. Sản xuất công nghiệp phần lớn gia công, lắp ráp, ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng.
Đội ngũ công chức của tỉnh vẫn còn trên 38% chỉ có trình độ cao đẳng và sơ cấp. Đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, biết làm và có sản phẩm cụ thể là một vấn đề của Phú Thọ. Tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực. Trong số 7 KCN đã được quy hoạch, chỉ có 4 khu đi vào hoạt động, 3 khu còn lại chưa hoạt động được.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh chưa tìm ra phương pháp xúc tiến sát đúng để có dự án động lực, có giá trị gia tăng cao, mang tính quyết định sự phát triển, trong khi Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên cũng cùng mặt bằng như Phú Thọ, đã vượt lên được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong nhiệm kỳ tới đây, phải cùng nhau đồng tâm hiệp lực thực hiện cao nhất mong mỏi của Người là đưa Phú Thọ trở thành một tỉnh tiên tiến không chỉ của miền Bắc mà còn của cả nước.
Theo Thủ tướng, Phú Thọ hiện hội tụ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Với lợi thế đó, mục tiêu đến năm 2025, Phú Thọ hướng tới trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Đại hội thảo luận kỹ về những vấn đề này để có giải pháp đột phá.
Phú Thọ phải được xây dựng trên công thức “3 trong 1”
Thủ tướng nêu rõ bối cảnh quốc tế và trong nước những năm tới đây có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó lường. Thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là tác động sâu rộng, đa chiều của đại dịch COVID-19 đưa thế giới vào khủng hoảng trên nhiều phương diện y tế, chính trị, xã hội và hợp tác quốc tế. Do những kết quả đạt được về đẩy lùi COVID-19 và là một trong số những nền kinh tế tăng trưởng dương, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội từ quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cũng như các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ cần tận dụng tốt mọi cơ hội, vượt lên chính mình, đưa tỉnh nhà phát triển đột phá trong nhiệm kỳ tới, xứng danh quê hương Đất Tổ anh hùng.
Nhắc lại sự kiện ngày 13/4/1959, khi về thăm công trường xây dựng KCN Việt Trì, Bác Hồ nói “đây là KCN đầu tiên của nước ta; xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước, nay ta xây dựng Đất Tổ thành một KCN to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội”, Thủ tướng đề nghị tỉnh Phú Thọ sẽ làm nên kỳ tích để xứng đáng với tầm nhìn, niềm tin, niềm mong mỏi của Bác Hồ.
Thủ tướng nhấn mạnh một câu hỏi đặt ra là Phú Thọ có thể trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của phía Bắc đến năm 2035 hay không phụ thuộc rất lớn vào việc đặt nền móng chiến lược và hành động mạnh mẽ của chúng ta trong nhiệm kỳ tới.
Dẫn thí dụ về Tập đoàn POSCO Hàn Quốc, được thành lập năm 1968, tức là sau KCN Việt Trì đến 9 năm nhưng họ đã vươn mình thành một công ty lớn nhất thế giới, biểu tượng đầy thuyết phục về “kỳ tích sông Hàn”, Thủ tướng đặt vấn đề “Tại sao ta không làm được, phải chăng là do ý chí của chúng ta?”. Chúng ta phải có những KCN phát triển mạnh mẽ như một số địa phương đã từng làm trong cả nước. Điều đó đòi hỏi ý chí quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm trung tâm dẫn dắt sự phát triển của các tiểu vùng.
Tỉnh cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ và chính quyền thật sự là công bộc của dân. Thường xuyên chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức nắm vững pháp luật, thạo việc, công tâm, hết lòng phục vụ nhân dân, coi đó là vấn đề then chốt để nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền.
Theo Thủ tướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Phú Thọ phải được xây dựng trên công thức “3 trong 1” của sự phát triển gồm kinh tế, xã hội, môi trường. Cân đối ngân sách nên là một nhiệm vụ cần hướng tới. Với những tiềm năng, lợi thế và khát vọng trong phát triển, Chính phủ đặt kỳ vọng Phú Thọ sẽ có lộ trình phấn đấu giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, sớm gia nhập câu lạc bộ các địa phương tự cân đối được ngân sách trong vòng 5 năm tới.