Thủ tướng Đức Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.
Với 150.729 ca bệnh Covid-19, Đức hiện là quốc gia có số ca bệnh đứng thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp. Đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 5.315 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nước châu Âu khác. Đây được cho là kết quả của việc Đức đã triển khai làm xét nghiệm từ sớm và trên phạm vi rộng.
Thủ tướng Merkel bày tỏ lo lắng người dân Đức sẽ giảm các nỗ lực giãn cách xã hội sau khi chính quyền liên bang và khu vực nhất trí mở lại một số cửa hàng từ tuần này. Phát biểu ý kiến trước Hạ viện Đức, bà Merkel cảnh báo: “Lúc này chúng ta không ở trong giai đoạn cuối của dịch bệnh mà vẫn ở giai đoạn bắt đầu”.
Bà Merkel phát biểu ý kiến tại Hạ viện Đức, ngày 23/4. (Ảnh: Reuters).
Đức đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhưng vẫn duy trì các quy định giãn cách xã hội cho đến ngày 3/5. Cửa hàng bán lẻ có diện tích từ 800 m2 trở xuống và đại lý xe hơi, xe đạp, nhà sách đã được phép hoạt động trở lại, song phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội và bảo đảm vệ sinh. Trường học sẽ mở cửa trở lại từ ngày 4/5 và dành ưu tiên cho học sinh cuối cấp. Sau đó, cửa hàng tóc cũng có thể hoạt động trở lại.
Thủ tướng Đức kêu gọi người dân nước này tuân thủ các quy định đã được ban hành, bà nói: “Nếu chúng ta cho thấy tính nhẫn nại và kỷ luật cao nhất có thể tại giai đoạn bắt đầu đại dịch, chúng ta sẽ có thể quay trở lại nhịp sống kinh tế, xã hội và cộng đồng một cách nhanh chóng hơn và bền vững hơn”. Bà Merkel và lãnh đạo của các bang sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 30/4 để xem xét kế hoạch tiếp tục mở cửa trở lại sau ngày 3/5.
Liên quan đến nỗ lực của EU nhằm ứng phó tác động kinh tế do Covid-19 gây ra, bà Merkel cho rằng, kế hoạch gộp nợ do một số nước thành viên khối này đề xuất không phải là con đường đúng đắn. “Đó sẽ là một tiến trình rất khó khăn, mất thời gian và thậm chí không giúp được ai trong tình hình hiện tại, bởi vì chúng ta cần những công cụ khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng”. Thay vào đó, bà kêu gọi châu Âu tung ra một gói kích thích kinh tế nhằm ủng hộ sự phát triển trong hai năm tới.
Theo Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank, nước này đang trong một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Chính phủ Đức đã đưa ra nhiều biện pháp để ứng phó dịch bệnh, trong đó có gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro.