Thủ tướng làm việc với TPHCM: Nhiều vấn đề "nóng" được thành phố kiến nghị

Ngọc Mai| 13/05/2021 12:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 4 nhóm vấn đề lớn tại cuộc họp sáng nay.

pham-minh-chinh-tp-hcm.jpg
Thủ tướng: Đề nghị các đồng chí tập trung trí tuệ, suy nghĩ để tập trung bàn bạc, phát biểu trực tiếp vào vấn đề

Ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với TPHCM nhằm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn để Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.

Cùng dự với Thủ tướng Phạm Minh Chính có các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, đây là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị mới với một địa phương trên cả nước sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự.

Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận về báo cáo, đề xuất của Thành phố. Thủ tướng yêu cầu, cuộc họp có rất nhiều nội dung, đòi hỏi chất lượng cao, thời gian lại có hạn, do đó, các đại biểu phải tập trung trí tuệ để cùng bàn bạc, tập trung vào các vấn đề trọng tâm.

“Nội dung rất nhiều và phong phú, đòi hỏi chất lượng cao, đề nghị các đồng chí tập trung trí tuệ, suy nghĩ để tập trung bàn bạc, phát biểu trực tiếp vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ cái gì được thì nói là được, cái gì chưa được thì nói là vì sao”, Thủ tướng nêu rõ tinh thần buổi làm việc.

Thành phố đối diện với nhiều thách thức

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết để triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, bên cạnh các thuận lợi, thế mạnh có được, TPHCM phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của Thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố nhắc tới sự quá tải về hạ tầng kinh tế-xã hội đang ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách Thành phố. Thành phố có hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội (số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD), quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, Thành phố là địa phương có năng suất lao động và thu nhập đầu người cao nhất cả nước (gấp khoảng 2,7 lần so với bình quân cả nước), song tỷ suất sinh lại thấp nhất cả nước (khoảng 1,3 trẻ/phụ nữ so với bình quân cả nước là 2,1 trẻ/phụ nữ). Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong tương lai.

Thành phố là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung đông dân cư cho nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự an toàn xã hội với nhiều loại tội phạm, trong đó tội phạm liên quan đến ma túy rất phức tạp, là nguồn cơn của nhiều loại tội phạm khác.

Kinh tế Thành phố có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ luôn là một trong những địa phương chịu sự tác động mạnh nhất của đại dịch COVID-19.

nguyen-thanh-phong.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị các nhóm vấn đề chính với Thủ tướng Phạm Minh Chính

Kiến nghị 4 nhóm vấn đề lớn

Từ đó, lãnh đạo TPHCM đã nêu những kiến nghị cụ thể.

Nhóm 1: Về phân cấp, phân quyền cho TPHCM

TPHCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TPHCM và các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng Đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp một số lĩnh vực cho TPHCM trong quý II-2021. Hiện nay, một số nội dung trong Nghị định 93 không còn phù hợp và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của TPHCM.

Nhóm 2: Về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ở nhóm này TPHCM có 4 kiến nghị:

Thứ nhất, TPHCM kiến nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương, chỉ đạo Bộ Tài Chính chủ trì hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM; trình các cấp có thẩm quyền thông qua Đề án trong năm 2021. Cụ thể, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho Trung ương và tạo tiền đề để TPHCM phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có sơ sở thực hiện.

Thứ ba, TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có quy định việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn giữa các doanh nghiệp có cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu và chuyển giao công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Thứ tư, về quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh. Cụ thể, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TPHCM để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và các khoản góp vốn liên doanh khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) cổ phần hóa. Một phương án khác là chấp thuận chủ trương không cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục DNNN thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Quyết định, Saigontouris thuộc nhóm cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Trong khi đó, Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn tại trung tâm. Đó là Khách sạn Bến Thành - Rex Hotel, Khách sạn Cửu Long - Majestic Hotel, Khách sạn Hoàn Cầu - Continental Hotel và Kách sạn Kim Đô. Các doanh nghiệp nhà nước TPHCM thuộc diện cổ phần hóa đang có 29 khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất với đối tác nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh. Các khu đất công ty liên doanh đang sử dụng cũng có vị trí quan trọng mang tính đảm bảo an ninh - quốc phòng trước mắt và lâu dài. Do vậy nhà nước cần thiết phải quản lý 4 khách sạn và phần vốn góp tại các liên doanh này.

Nhóm 3: Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

TPHCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư TPHCM có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của TPHCM là 261.967 tỷ đồng.

Nhóm 4: Liên quan đến TP Thủ Đức, với các kiến nghị:

Thứ nhất, để TP Thủ Đức thật sự trở thành một động lực tăng trưởng mới cho TPHCM và cả vùng kinh tế phía Nam, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp TPHCM xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức, trình Chính phủ trong quý II-2021.

Thứ hai, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam. Các công trình bổ sung nêu trên sẽ được cân đối thanh toán từ khoản kinh phí tiết kiệm được trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng của dự án và từ khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp bổ sung (nếu có) theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các lô đất đã giao trước đây.

Thứ ba, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam về ưu đãi cho dự án tăng vốn đầu tư của công ty này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng làm việc với TPHCM: Nhiều vấn đề "nóng" được thành phố kiến nghị