Khẳng định TP. Hà Nội là Thủ đô sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước trong năm 2020, Thủ tướng đề nghị Hà Nội khẩn trương giải quyết 10 tồn tại trong đó có vấn đề ở Đồng Tâm và dự án 8B Lê Trực.
Thủ tướng: Chính phủ cùng với Hà Nội, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ mọi ách tắc để Hà Nội phát triển
Sáng 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm của 9 tháng cuối năm.
Khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển
Sau gần 4 tiếng rưỡi lắng nghe phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Về tình hình kinh tế-xã hội của Hà Nội, theo Thủ tướng, quý I/2020 duy trì tăng trưởng dưới 4% là một cố gắng và có một số điểm sáng.
Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề, đó là cần tiếp tục đề cao cảnh giác trong phòng chống COVID-19, không thể chủ quan. Do ảnh hưởng của dịch, các chỉ tiêu của Hà Nội đều thấp hơn so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2020.
Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, mà theo báo cáo của Hà Nội, còn 50.000 tỷ đồng chưa giải ngân được. Đặc biệt, quý I, huy động vốn xã hội chưa đạt kế hoạch. Trong khi vốn là một kênh tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm vấn đề này.
Dẫn nhận định của một số tổ chức cho rằng Việt Nam là một trong những nước có khả năng tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh kinh tế quốc tế suy giảm do dịch COVID-19, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội gặp nhiều thách thức nhưng có nhiều thời cơ, cần đón bắt thời cơ mới để đoàn kết xốc tới phát triển Thủ đô.
Trong quá trình ấy, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cùng với Hà Nội, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ mọi ách tắc để Hà Nội phát triển.
Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tiêu dùng của các hộ gia đình.
Cho nên, cả nước, đặc biệt là Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, “thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động”.
Tập trung khắc phục các tồn tại
Ghi nhận cam kết của lãnh đạo TP. Hà Nội là Thủ đô sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước trong năm 2020, Thủ tướng đề nghị Hà Nội giải quyết 10 tồn tại mà lãnh đạo Thành phố đã nêu, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vào 4 tồn tại.
Một là, ở Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai là vấn đề dự án 8B Lê Trực, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.
Thứ ba là đối với công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020.
Thứ tư là cần khẩn trưởng xử lý dứt điểm vấn đề mương Phan Kế Bính.
Nhấn mạnh việc giải quyết những tồn tại và đồng thời tập trung phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Thủ tướng thống nhất với tầm nhìn phát triển Hà Nội trong thời gian tới là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; nơi tập trung nhiều cơ sở hàng đầu về kinh tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, môi trường sống thân thiện, bền vững, an ninh, an toàn; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ; con người thủ đô văn minh, thanh lịch, năng động, tiêu biểu về trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Cùng Hà Nội tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong mục tiêu kép là tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng, cuộc sống của người dân. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn.
Hà Nội cần tiếp tục làm tốt việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, các đối tượng bị ảnh hưởng.
Thực hiện mục tiêu kép quyết liệt, chủ động, sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, “Hà Nội như một chiếc lò xo bật ra”. Cho nên những phương án phát triển dịch vụ, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân, phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo… là những việc cần thiết.
Sáng tạo trong huy động nguồn lực, phù hợp với việc đón bắt thời cơ, Thủ tướng nêu rõ phương châm hành động là phải nhanh, chính xác và kịp thời.
Lưu ý việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp, Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch các tỉnh có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỷ đồng, ngành điện là 12.000 tỷ đồng.
Vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng cuộc sống người dân rất quan trọng. Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội giải quyết vấn đề môi trường sông Đáy, sông Nhuệ.
Tiếp tục xây dựng nền hành chính của Hà Nội là nền hành chính phục vụ, văn minh và thanh lịch, làm sao giải quyết tình trạng không còn khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh trật tự. Không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Về các kiến nghị cụ thể của Hà Nội, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo giải quyết với tinh thần là các bộ cùng Hà Nội tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội, có điều gì vướng mắc vượt thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẵn sàng tháo gỡ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội là một địa bàn trọng điểm có rủi ro cao. Tuy nhiên, trên tinh thần Thành uỷ và cả hệ thống chính trị đều chỉ đạo các quận, huyện vào cuộc quyết liệt, trên tinh thần chấp hành nghiêm các Chỉ đạo T.Ư và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hà Nội có Ban chỉ đạo từ TP đến các quận, huyện, đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch. Đến nay Hà Nội đã có kết quả bước đầu và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan. Bảo vệ được Hà Nội cũng là góp phần thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước. Sắp tới, Hà Nội sẽ kiến nghị Thủ tướng cân nhắc trên bộ tiêu chí Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia để đánh giá, xếp loại mức độ rủi ro Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác để có thể nới lỏng một phần nào đó giãn cách xã hội, đảm bảo vừa phòng chống dịch nhưng cũng vừa có điều kiện khôi phục sản xuất ở mức độ nhất định. Hà Nội xin hứa với Thủ tướng sẽ quyết tâm làm tốt việc này. Về phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng Hà Nội vẫn tăng trưởng 3,72%. Đây là cố gắng lớn của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội bằng nhiều biện pháp. Hiện, Hà Nội đang cố gắng “nạp năng lượng” để phục hồi sau dịch kết thúc theo mô hình chữ V và đang tập trung thực hiện theo hướng này. Hà Nội đang cố gắng phấn đấu tăng trưởng đạt cao gấp 1,3 lần so với cả nước tuỳ theo từng kịch bản mà chúng ta xây dựng. Về nông nghiệp Thành ủy Hà Nội giao cho UBND TP phấn đấu tăng trưởng 4,04%. Mặc dù chưa có năm nào tăng trưởng nông nghiệp của TP vượt qua 2,5% nhưng UBND TP rất quyết tâm, thậm chí đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển để nông nghiệp tăng cường ở mức cao hơn nhiệm vụ được giao là 4,62%. Một số huyện của TP cũng đang phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp từ 5-6%. Tới đây, TP sẽ tiếp tục làm việc với Bộ NN&PTNT để giúp cho Hà Nội đạt được việc này vì nông nghiệp và “tam nông” vẫn là bệ đỡ. Về đầu tư công: Tinh thần chỉ đạo của Hà Nội là “góp gió thành bão”. Nghĩa là thúc đẩy triển khai, tăng tiến độ của tất cả các công trình từ nhà của tư nhân, các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; đặc biệt là các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp từ thôn, tổ dân phố đến TP. Cùng với sự tháo gỡ chung của Chính phủ, bằng sự quyết liệt của mình, Hà Nội tin tưởng sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Vừa qua, TP đã làm việc với Bộ GTVT triển khai công trình trọng điểm, sắp tới, TP sẽ làm việc tiếp với Bộ KH&ĐT để cùng tháo gỡ những khó khăn. Dự kiến tháng 9/2020, TP sẽ khánh thành đường trên cao đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long. Hiện, TP đang kiến nghị với Bộ GTVT cho làm nốt 2 cầu cạn tiếp nối theo hướng sử dụng. Về đầu tư tư nhân và đầu tư theo hình thức (PPP) cũng như phát triển doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy cho biết, sau khi Hà Nội đã có đối thoại với DN, TP sẽ có chương trình hành động, giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, thành lập tổ đặc nhiệm để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đầu tư công. Với các ngành về công nghệ thông tin và công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như công nghiệp và xây dựng, sắp tới Hà Nội sẽ có kế hoạch làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để phát triển các lĩnh vực này. Đồng thời, tập trung vào những những lĩnh vực có cơ hội và tiềm năng như sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng, hoá chất... TP cũng cũng đã chỉ ngành Công thương phải tổ chức bán hàng ở thôn quê và phải thiết lập các quầy bán hàng, tiêu thụ nhiều lên, sẽ huy động khoảng 100 loại mặt hàng, ngành hàng tiêu thụ ở vùng nông thôn. Về giải quyết các vấn đề bức xúc, theo Bí thư Thành ủy, hiện TP đã tập trung giải quyết 10 vụ việc nổi cộm trên địa bàn. Sau khi hội nghị này, TP sẽ tiếp tục làm việc với một số bộ, ngành cụ thể triển khai kết luận của Thủ tướng, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn rất cụ thể. Đồng thời, TP sẽ đánh giá để có một chương trình tái thiết kinh tế trong trường hợp khủng hoảng này để cho góp phần chung vào việc phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu và chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI và góp phần vào thành công chung của cả nước. |