Tiếp Giám đốc Điều hành Tập đoàn Siam Cement Group (SCG, Thái Lan), Thủ tướng đề nghị SCG cần nghiên cứu, thúc đẩy mở rộng các dự án khu công nghiệp tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu, nhất là các sản phẩm sau hoá dầu.
Chiều 3/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Siam Cement Group (SCG, Thái Lan), doanh nghiệp đầu tư vào dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam và Thái Lan là đối tác chiến lược; trong các nước ASEAN, hai nước cũng là những đối tác lớn, hợp tác chặt chẽ. Thái Lan có nhiều dự án đầu tư thành công tại Việt Nam.
Về dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Long Sơn Petrochemicals - LSP) mà SGC đầu tư, đang được triển khai tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng đánh giá những dự án quy mô như thế này có ý nghĩa lớn với Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời chúc mừng và đánh giá cao các hoạt động kinh doanh có hiệu quả của Tập đoàn SCG tại Việt Nam.
Chủ tịch SCG Roongrote Rangsiyopash chúc mừng Chính phủ Việt Nam thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19; nêu rõ, trong dự án của SCG ở Việt Nam cũng không có trường hợp lây nhiễm COVID-19 nào. Ông bày tỏ chân thành cảm ơn các bộ, ngành Việt Nam đã tạo điều kiện về các thủ tục, giấy phép cho dự án LSP.
Ông giải thích, vừa qua, dự án LSP có chậm tiến độ đôi chút, chủ yếu do các nhà cung cấp thiết bị ở châu Âu. Tuy nhiên, tính chung, đến nay, dự án đã hoàn thành 62% tiến độ. Tập đoàn đang nỗ lực áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để khắc phục việc chậm tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa dự án đi vào vận hành cuối năm 2022 như đã cam kết.
Hiện nay, tập đoàn đã tính tới các phương án khi dự án đi vào hoạt động trong tương lai, khi đó sẽ có nhiều sản phẩm hoá dầu, kể cả bán sản phẩm phụ trong thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu. Điều này đang được tập đoàn xem xét nghiêm túc và cẩn trọng. Đồng thời, SCG cũng đang xúc tiến phát triển những dự án thành phần, nhất là hợp tác với Tập đoàn Amata phát triển dự án khu công nghiệp chung quanh dự án chính; tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng để cùng phối hợp kể cả khi dự án đi vào hoạt động. SCG hoan nghênh các đối tác Việt Nam cùng hợp tác, mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là góp phần phát triển công nghiệp Việt Nam.
Ghi nhận ý kiến của Chủ tịch SCG, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dự án LSP có quy mô rất lớn và quan trọng. Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rất quan tâm dự án. Thủ tướng cho biết, năm nay, mặc dù khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Việt Nam có môi trường chính trị, xã hội ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Cho nên, các nhà đầu tư có thể hoàn toàn yên tâm làm ăn.
Thủ tướng đề nghị SCG cần nghiên cứu, thúc đẩy mở rộng các dự án khu công nghiệp tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu, nhất là các sản phẩm sau hoá dầu, tích cực phối hợp với địa phương trong việc tìm quỹ đất.
Liên quan các ưu đãi đầu tư dành cho dự án LSP, Chính phủ sẽ giao các Bộ: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẩn trương rà soát việc đáp ứng các điều kiện được hưởng ưu đãi đầu tư của SCG và sẽ có thông báo sớm gửi SCG về vấn đề này.
Việc xác định, phân loại sản phẩm phụ của dự án (là sản phẩm hóa dầu, hay xăng dầu) cần dựa trên tính chất của sản phẩm và các quy định pháp luật của Việt Nam về phân loại hàng hóa. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn LSP hoàn thiện các thủ tục liên quan làm cơ sở để có thể xuất khẩu sản phẩm theo các quy định pháp luật Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị hướng chính của dự án LSP là xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tập đoàn cũng cần xem xét, coi trọng thị trường nội địa Việt Nam - một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia 3 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, mở ra không gian hợp tác thương mại rất lớn.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SCG tiếp tục mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam tại Việt Nam; là cầu nối đưa các tập đoàn lớn của Thái Lan nói riêng và thế giới nói chung đến đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, hỗ trợ, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh hiệu quả và thành công tại Việt Nam, nhất là những tập đoàn lớn và có dự án đầu tư lớn như SCG; coi thành công của SCG cũng là thành công của Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn Tập đoàn SCG không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh, có thêm nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam.
Dự án trọng điểm Tổ hợp Hóa dầu miền Nam được khởi công tháng 2/2018 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là tổ hợp hoá dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin (nguyên liệu cơ sở để sản xuất hóa chất công nghiệp, các loại chất dẻo, nhựa và cao su tổng hợp) lên tới 1,6 triệu tấn/năm và được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hoá dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác, công suất hơn 2 triệu tấn/năm. Thời gian thi công dự án là 5 năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022.