Thủ tướng đánh gia cao công tác giải ngân vốn đầu tư công của Ninh Bình

Xuân Lan| 13/07/2020 10:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng đánh giá cao Ninh Bình đã kịp thời đưa ra những quyết sách về những vấn đề liên quan đến đầu tư công, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Thủ tướng đánh gia cao công tác giải ngân vốn đầu tư công của Ninh Bình

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình

Ngày 12/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Đây cũng là cuộc kiểm tra đầu tiên của Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Một trong những địa phương nhóm đầu cả nước về giải ngân

Báo cáo với Thủ tướng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho biết, đến nay tỉnh đã giải ngân 72% trong tổng số vốn được giao trên 3.000 tỷ đồng.

Ninh Bình đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục và tập trung giải phóng mặt bằng là hai khâu trọng tâm trong lĩnh vực này.

Kinh nghiệm rút ra từ Ninh Bình là tăng cường mật độ các cuộc họp của HĐND để giải quyết các thủ tục, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Đối với khâu giải phóng mặt bằng-vướng mắc thường xuyên nhất trong giải ngân vốn đầu tư công, Ninh Bình chủ động khắc phục khó khăn trong thủ tục liên quan đến quản lý đất đai để đảm bảo đủ điều kiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề cao vai trò của lãnh đạo huyện – Trưởng ban giải phóng mặt bằng trên địa bàn để đôn đốc, giao trách nhiệm thực hiện dưới sự hỗ trợ của tỉnh.

Ninh Bình cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí sẵn sàng tiếp nhận vốn chậm giải ngân từ nơi khác chuyển về..

Hoan nghênh Ninh Bình cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm trong giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hoan nghênh tỉnh cam kết tiếp tục giải ngân hiệu quả nếu được điều chuyển thêm vốn.

Với mức giải ngân này, Thủ tướng đánh giá đây là điểm sáng của Ninh Bình nửa đầu năm nay, đưa Ninh Bình trở thành một trong những địa phương nhóm đầu cả nước về giải ngân, xếp thứ 3 trong số các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao HĐND tỉnh đồng hành với UBND tiến hành nhiều cuộc họp thay vì chỉ họp định kỳ để kịp thời đưa ra những quyết sách về những vấn đề liên quan đến đầu tư công, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động trong giải phóng mặt bằng, gắn trách nhiệm với lãnh đạo cấp huyện, thành phố với công tác này, giúp giải phóng mặt bằng nhanh hơn.

Cho rằng đây là kinh nghiệm tốt với nhiều địa phương, bởi giải phóng mặt bằng chậm là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công hiện nay bị chậm, Thủ tướng nhấn mạnh lại tinh thần là địa phương nào không thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công thì nguồn vốn sẽ được điều chuyển sang địa phương khác.

Ninh Bình sẽ tự cân đối được ngân sách ngay đầu nhiệm kỳ tới

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Ninh Bình đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, là nền tảng cho phát triển thời gian tới.

Cụ thể như, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả ấn tượng với 106/116 xã và 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, qua đó thực hiện mục tiêu cao nhất là cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Về lĩnh vực dịch vụ, du lịch, Thủ tướng cũng đánh giá dịch vụ của Ninh Bình phát triển khá, trong đó, năm 2019, ngành du lịch đón trên 8 triệu lượt khách, qua đó mang lại nguồn thu, việc làm và thu nhập cho người dân... 

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức trong phát triển đối với Ninh Bình như thu nhập bình quân mới đạt 65 triệu đồng/năm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Doanh thu du lịch chưa tương xứng tiềm năng thế mạnh, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa tạo sự đột phá phát triển ngành du lịch của tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có tiến bộ nhưng không có sự bứt phát mạnh mẽ. Phát triển doanh nghiệp của địa phương chưa đạt yêu cầu, mới đạt 8.000 doanh nghiệp trong khi mục tiêu là 10.000. Trong phát triển còn xảy ra một số vụ việc về ô nhiễm môi trường…

Yêu cầu Ninh Bình khắc phục các điểm yếu, thách thức này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là quyết tâm đoàn kết, đồng lòng, vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất các chỉ tiêu đề ra, nhất là trong năm nay. Do đó, trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, trong đó có Ninh Bình, là phải đóng góp vào thực hiện mục tiêu chung của cả nước.

Để tạo động lực phát triển, Thủ tướng cũng đề nghị Ninh Bình tập trung cho công tác chuyển đổi số, trong đó có xã hội số, chính quyền số, kinh tế số, thanh toán điện tử, phát triển các dịch vụ công trực tuyến; coi đô thị hóa, kinh tế nông thôn mới với môi trường sạch, sinh thái tốt là động lực phát triển. Cùng với phát triển du lịch thì cần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người dân.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, tạo thuận lợi phát triển nội địa hóa công nghiệp ô tô, phát triển các ngành công nghệ cao bảo vệ môi trường, Thủ tướng mong muốn Ninh Bình sớm trở thành tỉnh nông thôn mới, tiến tới tỉnh nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó phát triển nông nghiệp sạch, đa chức năng, nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, Thủ tướng mong muốn ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tới, Ninh Bình sẽ tự cân đối được ngân sách, tiến tới đóng góp vào ngân sách Trung ương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng đánh gia cao công tác giải ngân vốn đầu tư công của Ninh Bình