Mới đây, Thủ tướng Ấn Độ mong người dân tha thứ do không còn lựa chọn nào khác ngoài phong tỏa toàn quốc để ngăn Covid-19.
Hãng CNN dẫn lời Thủ tướng Narendra Modi cho biết, ông rất tiếc vì những khó khăn do quyết định đóng cửa tất cả dịch vụ không thiết yếu gây ra những khó khăn trong cuộc sống của nhân dân đặc biệt là những người nghèo.
Ông Modi cũng cho biết, dù nhiều người rất tức giận. Nhưng những biện pháp cứng rắn này là cần thiết để chiến thắng trong trận chiến này.
Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới với hơn 1,3 tỷ người đã phong tỏa toàn bộ đất nước từ ngày 25/3 trong nỗ lực to lớn nhằm kiểm soát sự lây lan của virus. Lệnh phong tỏa có hiệu lực trong 21 ngày.
Ấn Độ áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3 đến 14/4
Bước đi này đã đẩy hàng nghìn người lao động nhập cư nỗ lực rời khỏi các thành phố lớn của Ấn Độ vì họ bị mất việc và không được trả lương. Các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi của lệnh phong tỏa dự kiến kết thúc vào ngày 14/4.
Đến trưa 30/3, Ấn Độ ghi nhận 1.024 ca nhiễm virus corona, theo dữ liệu từ Bộ Y tế nước này. 27 người đã chết và 95 bệnh nhân đã được xuất viện.
Chính phủ nước này đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 22,6 tỷ USD nhằm trợ cấp tiền mặt và cung cấp thực phẩm cho người nghèo. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định người nghèo Ấn Độ là đối tượng bị tổn thương nặng nhất khi nền kinh tế trị giá 2,9 nghìn tỷ USD đóng cửa.
Chuyên gia kinh tế Abhijit Banerjee và Esther Duflo, đoạt giải Nobel năm 2019, nói người nghèo Ấn Độ cần được hỗ trợ nhiều hơn. Nếu không được hỗ trợ, khủng hoảng nhu cầu sẽ đổ thêm dầu vào lửa trong suy thoái kinh tế. Dân chúng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài phớt lờ mệnh lệnh.
Cảnh sát Ấn Độ áp dụng nhiều hình phạt nghiêm khắc với những người vi phạm lệnh phong tỏa, trong đó có dùng gậy đánh vào chân, bắt ngồi xổm véo tai, cúi đầu ôm chân hoặc ngồi trong các vòng tròn trắng để thực hiện "cách biệt cộng đồng".
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, tới nay đã xuất hiện tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 720.000 ca nhiễm nCoV, gần 34.000 người chết và hơn 150.000 người đã hồi phục. Mỹ, Trung Quốc, Italy và Tây Ban Nha là những quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm nCoV nhất thế giới.