Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, trình tự, thủ tục và các thời hạn trong tố tụng dân sự còn rườm rà. Có những vụ việc đơn giản, rõ ràng nhưng lại kéo dài không cần thiết.
Bởi vậy, những quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, các vụ án dân sự TAND các cấp thụ lý tăng mạnh từ 223.228 vụ lên tới gần 400.000 vụ, tăng khoảng 56,4%. Số lượng các vụ án TAND cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết cũng rất lớn, thường chiếm trên 90% số lượng án giải quyết của toàn hệ thống Tòa án và lượng án tồn đọng của Tòa án các cấp cũng không nhỏ. Tuy nhiên, chế định pháp luật dân sự và pháp luật về tố tụng tư pháp còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung.
Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:
1. Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Một phiên tòa dân sự
Trong khoa học luật tố tụng nói chung và khoa học luật tố tụng dân sự nói riêng, các thủ tục tố tụng được chia thành hai loại là thủ tục tố tụng thông thường và thủ tục tố tụng đặc biệt. Đương nhiên, thủ tục rút gọn là một dạng của tố tụng đặc biệt. Thủ tục này được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ các điều kiện quy định với trình tự đơn giản, rút ngắn thời gian so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của những người tham gia tố tụng và đúng pháp luật.
Trước hết, đối với đương sự, việc xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cũng như giảm bớt những thiệt hại, phiền phức, nhất là đối với người thắng kiện vì đáng lẽ ra họ không phải gánh chịu những thiệt hại, phiền phức này. Từ đó lòng tin của người dân vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung được nâng lên, tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Khi việc khiếu kiện và tham gia tố tụng của người dân được thuận lợi thì khi đó họ sẽ chọn phương thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại Tòa án, hạn chế các trường hợp đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật gây bất đồng trong đời sống, bất ổn trong xã hội. Hơn nữa, đây là điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào việc giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng.
Áp dụng thủ tục rút gọn sẽ giảm thời gian giải quyết vụ án nhưng vẫn đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên, giảm công việc của Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Với việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp; khiếu kiện, thủ tục rút gọn góp phần làm giảm đáng kể số lượng án ngày càng gia tăng trong giai đoạn hiện nay và xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, hiện đại.
Với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thủ tục rút gọn được áp dụng không phân biệt giá trị tranh chấp. Đây là một điều hết sức hợp lý bởi giá trị tranh chấp mặc dù lớn hay nhỏ nhưng tính chất đơn giản, đương sự thừa nhận sự việc thì vẫn xét xử theo thủ tục rút gọn, không nên kéo dài việc giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, số lượng thành viên của Hội đồng xét xử theo thủ tục này cũng đã được giảm xuống, không có sự tham gia của các Hội thẩm nhân dân. Kèm theo các điều kiện nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng thì việc quy định thời hạn ngắn nhất để giải quyết vụ án là điều không thể thiếu, do đó, trong thời gian 1 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án sơ thẩm, Thẩm phán phải ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì thời hạn này cũng chỉ 1 tháng. Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử ở cả giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm chỉ là 2 tháng, giảm 4 tháng so với thủ tục thông thường (chưa kể thời gian gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với thủ tục thông thường).
Một điểm đặc biệt hơn là ngay cả việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm cũng không làm mất đi hiệu lực của thủ tục rút gọn, và khi lý do tạm đình chỉ không còn thì vụ án vẫn được tiếp tục xét xử theo thủ tục rút gọn này. Chỉ khi xuất hiện tình tiết mới hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Hoặc có thể vụ án phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) thì vụ án mới chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường.