Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được gọi là “thủ phủ” lừa đảo bằng công nghệ cao, bởi 3 năm trở lại đây, hàng trăm nạn nhân trên khắp các tỉnh thành cả nước đã rơi vào bẫy của các thanh, thiếu niên 9X ở địa phương này.
Những 9X lão luyện trong việc “giăng bẫy” lừa.
“Thủ phủ” lừa đảo ban đầu là thị trấn Nam Phước rồi về sau được mở rộng ra các xã lân cận. Hầu hết các đối tượng đều rất trẻ, thuộc thế hệ 9X nhưng đã lão luyện trong việc “giăng bẫy” lừa. Đa số các đối tượng đều đã bỏ học, la cà ở các tiệm nét để chơi game. Sau đó, chúng học “lỏm” được thủ đoạn lừa đảo trên mạng, rồi “truyền nghề” cho nhau tạo thành một “thủ phủ” lừa đảo.
Đối tượng Trần Hữu Phước tại cơ quan công an
Thủ đoạn mà chúng lừa đảo là lập ra hàng loạt các trang web thông báo trúng thưởng giả mạo, sau đó sử dụng các tài khoản giả mạo nhắn tin trên Facebook, Zalo hay Viber… để thông báo khách hàng đã trúng thưởng. Khi khách hàng liên lạc lại để nhận giải thưởng thì chúng yêu cầu nộp tiền để làm hồ sơ, trả phí vận chuyển, đóng thuế VAT... Sau khi lừa thành công, chúng hủy sim điện thoại.
Đối tượng đầu tiên bị lực lượng công an “sờ gáy” là Lê Văn Pháp (SN 1990, ngụ TT. Nam Phước) chủ nhân website: quahe.us. Pháp bị bắt vào ngày 19/9/2012, trong một tiệm net tại khối phố Mỹ Hòa (TT. Nam Phước). Tiếp đó, Phòng PC45 tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ 12 đối tượng thực hiện trót lọt trên 20 vụ chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự Pháp. Phòng PC46 cũng khởi tố 4 sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học TP. Đà Nẵng có quê quán ở “thủ phủ” lừa đảo là Trần Hữu Phước (SN 1996), Trần Tấn Vinh (SN 1995), Lê Bản Cường (SN 1995, cùng ngụ TT. Nam Phước) và Lê Nho Nhật (SN 1995, xã Duy Phước).
Đối tượng Lê Nho Nhật
Các năm về sau, Công an huyện Duy Xuyên còn khởi tố hàng chục các đối tượng khác như Văn Phú Mỹ (SN 1996), Nguyễn Văn Thắng (SN 1997) và Nguyễn Thành Khánh (SN 1994, cùng ngụ TT. Nam Phước), Nguyễn Hữu Tín (SN 1993, xã Duy Sơn), Nguyễn Đăng Hòa (SN 1998, xã Duy Phước), Trần Phước Cường (SN 1998), Trần Huỳnh Đức, Phạm Minh Tú (cùng SN 2000, ngụ TT. Nam Phước)...
Mặc dù báo chí liên tục đưa tin cảnh báo cho người dân về những chiêu trò của các thanh, thiếu niên ở “thủ phủ” lừa đảo, nhưng con số nạn nhân vẫn ngày càng tăng lên. Cơ quan điều tra của các tỉnh thành cũng lần lượt đến “thủ phủ” lừa đảo để bắt các đối tượng đưa về địa phương điều tra, xét xử. Giữa năm 2013, Cục điều tra công nghệ cao Bộ Công an (C50) đã phát hiện và bắt giữ Nguyễn Văn Lên (SN 1994, xã Duy Sơn). Tháng 4/2015, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vào Quảng Nam để bắt Lê Văn Sơn (SN 1996, xã Duy Trinh). Cũng trong tháng này, Công an TP. HCM đã bắt khẩn cấp Lê Văn Pháp, Phạm Nguyễn Minh Tài (SN 1994) và Nguyễn Thị Phương (SN 1995, cùng trú TT. Nam Phước). Lê Văn Pháp trong vụ án này chính là kẻ đã bị Công an huyện Duy Xuyên bắt vào năm 2012. Tháng 6/2015, Công an TP. Đà Nẵng cũng đã tiến hành bắt Nguyễn Thành Trung (SN 1995), Lê Quang Linh (SN 1998) và Nguyễn Xuân Tân (SN 1995, xã Duy Phước). Tháng 7/2015, Công an tỉnh Quảng Trị đã bắt được Huỳnh Ngọc Quân (SN 1997, xã Duy Sơn). Tháng 8/2015, Công an tỉnh Hải Dương cũng vào miền Trung để bắt đôi bạn thân ở “thủ phủ lừa đảo” là Lê Chí Thiện và Văn Phú Hoàng (SN 1993, TT. Nam Phước). Tháng 9/2015, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố các đối tượng, gồm: Huỳnh Tấn Khoa, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Công Thiện, Phan Đức Vương, Lương Công Hưng, Nguyễn Bình và Văn Công Quang (đều ngụ TT. Nam Phước).
Mới đây nhất, ngày 1/10/2015, Công an Đà Nẵng bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Trung (SN 1993), Huỳnh Thắng (SN 1995) và Phạm Văn Quang (SN 1987, cùng ngụ xã Duy Trinh).
Từ khi Đoàn Công Thiện bị bắt, bà Văn Thị Bích Thủy (mẹ đối tượng) đóng cửa không tiếp khách
Nguyên nhân từ đâu?
Chúng tôi chọn thôn Châu Hiệp (TT. Nam Phước) - nơi có nhiều đối tượng bị bắt nhất để tìm hiểu, tiếp xúc với gia đình các đối tượng. Khi thấy người lạ, người dân địa phương nhìn dò xét với thái độ cảnh giác. Chúng tôi hỏi tên 5 đối tượng, họ đều bảo đó là hacker nhưng tuyệt nhiên bảo không biết nhà. Có người bảo biết, nhưng lại chỉ không chính xác.
Không nhờ được người dân, chúng tôi đến nhà ông Trịnh Văn Lân, Công an viên thôn Châu Hiệp. Ông Lân nhiệt tình chỉ chúng tôi địa điểm của từng nhà. Nhưng điều rất kỳ lạ, khi chúng tôi đến, nhà nào cũng... khóa cửa.
Nhà ông Lương Công H. cũng đóng cửa im lìm, sau khi con trai Lương Công Hưng bị CA Hà Nội bắt
Tại nhà bà Văn Thị Bích Th. (SN 1968, tổ 6), cửa cổng khóa chặt, cửa nhà cũng đóng kín. Một chị hàng xóm thấy chúng tôi gọi bà Th. liền nói: “Có gọi cũng tốn công sức mà thôi, bà ấy ở nhà nhưng không mở cửa đâu. Từ khi hai con trai Đoàn Công Thiện và Văn Phú Tiên bị bắt, bà ta đóng cửa kín như vậy đấy”. Tại nhà bà Nguyễn Thị M., mẹ của đối tượng Nguyễn Bình, cửa nhà cũng đóng kín bưng. Chúng tôi nhờ chị hàng xóm điện cho bà M. thì nhận được câu trả lời... không bắt máy. Đến nhà ông Lương Công H., cha của đối tượng Lương Công Hưng, cũng cùng cảnh như vậy. Có xe máy trước sân, có bóng người trong nhà, nhưng chúng tôi gọi cửa, tuyệt nhiên không có người thưa.
Những người dân thôn Châu Hiệp kể, trước đây bà Th. và bà M. đều thuộc hộ nghèo. Hai năm trở lại đây, họ bỗng giàu lên rõ rệt, không làm công việc gì nhưng lại có nhiều tiền tiêu xài, mua sắm và được đưa ra khỏi hộ nghèo. Còn gia đình ông H. thì thuộc loại khá giả, nhưng cha mẹ mải làm ăn nên con trai Lương Công Hưng vướng vào vòng lao lý.
“TT Nam Phước có hơn 100 thanh, thiếu niên tham gia lừa đảo qua mạng, riêng thôn Châu Hiệp có hơn 30, trong đó 8 đối tượng đã bị Công an Hà Nội bắt, 3 đối tượng vừa mới bỏ trốn” - Ông Lân cũng cho biết.
Nói về nguyên nhân dẫn đến sự việc, ông Văn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, phần lớn là do sự buông lỏng, thiếu quan tâm của gia đình, cùng với sự thiếu trách nhiệm của nhà trường. Các đối tượng còn trong tuổi học hành, nhưng sớm bỏ học chơi game rồi sa vào vòng lao lý.
Ngoài ra, theo ông Thanh, công tác quản lý, mua bán các bản quyền, trang web, tên miền trên mạng cũng còn rất lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho các đối tượng thanh thiếu niên dễ bề thực hiện các hành vi lừa đảo của mình.