Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người giảm 42.000 đồng/tháng so với năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng cơ cấu thu nhập với các khoản thu từ tiền công, tiền lương có xu hướng tăng.
Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2021 (theo giá hiện hành) đạt 4,2 triệu đồng và giảm 1% so với năm 2020 (tương đương giá trị 42.000 nghìn đồng/tháng).
Trong đó, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị đạt gần 5,4 triệu đồng và cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn xấp xỉ 3,5 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết trước năm 2019 thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thu nhập đã có xu hướng giảm dần. Theo đó, tốc độ giảm thu nhập ở khu vực thành thị nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Cụ thể, thu nhập bình quân một người/tháng ở khu vực thành thị giảm 3,6% so với năm 2020, trong khi thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn không thay đổi đáng kể.
Theo vùng miền, thu nhập bình quân khu vực Đông Nam Bộ là cao nhất đạt gần 5,6 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Trên thực tế, nhóm hộ giàu nhất chiếm 20% có thu nhập bình quân 9,2 triệu đồng/tháng và cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất).
Theo báo cáo, cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Hiện, tỷ trọng các khoản thu từ tiền công, tiền lương có xu hướng tăng dần từ năm 2010 đến nay (từ 45% năm 2010 lên đến 57% năm 2021). Ngược lại, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông-lâm nghiệp-thủy sản có xu hướng ngày càng giảm (từ 20% năm 2010 xuống còn 11% năm 2021).
Thu nhập bình quân nhân khẩu/tháng chia theo thành thị và nông thôn năm 2010-2021: