Chiều 3/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo.
Buổi họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đánh giá tình hình KTXH tháng 3 và quý I/2023; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KTXH trong quý II/2023 và thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết: Tình hình KT-XH nước ta trong tháng 3 và quý I/2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng, thực hiện được các mục tiêu Trung ương, Quốc hội giao.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; 58/63 địa phương tăng trưởng dương, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao (Hậu Giang 12,67%; Bình Thuận 9,86%; Hải Phòng 9,65%; Khánh Hòa 9,07%; Cà Mau 9,05%).
Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần qua các tháng (CPI tháng 1 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,35% so với cùng kỳ, tính chung Quý I tăng 4,18%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,5%).
Các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu đủ chi, thu NSNN quý I đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Xuất đủ nhập, tính chung quý I xuất siêu 4,07 tỷ USD. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm 2 lần trong quý I, góp phần làm cho mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm.
Đầu tư được thúc đẩy. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Thu hút FDI quý I có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ (đặc biệt, Ngân hàng Sumitomo Nhật Bản mua lại 15% cổ phần của Ngân hàng VPBank với giá trị 1,5 tỷ USD). Tổng vốn FDI thực hiện đạt 4,32 tỷ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý.
Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát chịu nhiều sức ép. Điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh chính sách tiền tệ nhiều nước tiếp tục thắt chặt và khó dự báo.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn có mặt hạn chế. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...