Thông tư 36 có gây khó khăn cho thị trường bất động sản?

Bảo Lan| 16/03/2016 09:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tháng 1/2016, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước với mục đích nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản (BĐS), cũng như nhằm kiểm soát an toàn cho hệ thống tín dụng.

Tuy nhiên, theo nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng nếu Thông tư 36 sửa đổi được ban hành, sẽ kìm hãm sự trở lại của thị trường BĐS mới vừa có dấu hiệu phục hồi.

Doanh nghiệp BĐS sẽ thiếu vốn

 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thông tư 36 có hai nội dung rất quan trọng, mà nếu được thông qua có thể sẽ tác động cực kỳ nghiêm trọng đến thị trường bất động sản năm 2016. Việc giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%, thực chất là hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường BĐS. Việc được hỗ trợ vốn vay từ ngân hàng sẽ là một động thái hết sức tích cực, giúp cho các chủ đầu tư (CĐT) đủ tiềm lực tài chính khi vốn đầu tư vào dự án quá lớn.

Tại hội thảo do Báo Thanh niên tổ chức sáng 15/3, TS. Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng cho rằng, Thông tư 36 tồn tại những điểm không tích cực, ảnh hưởng trực tiếp đến 3 chủ thể: (1) Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ khó có khả năng đạt được tăng trưởng tín dụng ở mức 18 - 20% như kế hoạch, khi phải giảm tỷ lệ cho vay từ 60 xuống 40% như dự thảo; (2) Doanh nghiệp BĐS thì thiếu vốn khi triển khai dự án và phải chịu thêm một mức lãi suất; (3) Người dân càng khó được tiếp cận vốn vay hỗ trợ khi mua nhà, bởi quy định cho vay được siết chặt hơn.

Thông tư 36 có gây khó khăn cho thị trường bất động sản?

Thị trường BĐS phát triển bền vững có tác động hỗ trợ tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của cả nước

Hiện nay, các DN làm dự án đã có đến 90% nguồn vốn huy động của ngân hàng, chỉ 10% nằm ở thị trường chứng khoán (cổ phiều và trái phiếu) và ở các kênh đầu tư khác. Nhằm kiểm soát và tạo ra sự ổn định cho hoạt động tín dụng thì việc điều chỉnh chính sách cần phối hợp đồng bộ với các Bộ, ngành có liên quan, để không những không làm ảnh hưởng đến các chủ thể có liên quan, mà còn ổn định hệ thống tài chính, ông Tín phân tích thêm.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Lê Tuấn, TGĐ Công ty Long Hưng Phát cũng cho rằng, khi DN triển khai một dự án thường phải vay tín dụng của ngân hàng và đã phải chịu một mức lãi suất cao. Nếu Thông tư 36 được thực thi, DN càng khó khăn để được tiếp cận vốn và lãi suất chắc chắn sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Ông Tuấn cũng nhận định: “Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của thị trường BĐS, khi thiếu sản phẩm mới ra thị trường và giá cả sẽ tăng trong tất cả mọi phân khúc, khi nhu cầu của người dân càng cao. Đồng thời, thị trường BĐS không tăng trưởng còn kéo theo nhiều lĩnh vực của các ngành phụ trợ khác giảm như sắt, thép, xi măng, lao động…”.

Ông Phan Thành Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland cũng cho biết, với những tín hiệu từ ngân hàng Nhà nước thông qua Thông tư 36, sẽ hạn chế nguồn vốn rất lớn cho các CĐT làm dự án BĐS, khiến cho các CĐT e ngại trong việc triển khai và xây dựng dự án mới. Vì vậy, nhằm hạn chế và đảm bảo tính thanh khoản về vốn nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của thị trường, Novaland sẽ tập trung phát triển và hoàn thành những dự án đã công bố, hạn chế mua thêm dự án để kiểm soát tín dụng và hướng đến việc đảm bảo phát triển bền vững của thương hiệu Novaland.

Luật phải thực tế và hợp lý

Tại hội thảo sáng 15/3, ông Phạm Lê Tuấn cũng thẳng thắn cho rằng, các văn bản của Chính phủ cần phải có tính bền vững cao, nhằm tránh cho doanh nghiệp những thiệt hại không đáng có, khi phải chi trả những chi phí cho việc thích ứng với những quy định mới, rồi lại hủy bỏ khi “quy định đó trở nên lỗi thời”. Điều này cũng làm giảm niềm tin của DN, của người dân khi các văn bản và chính sách thiếu thực tế. Bởi bất kỳ điều chỉnh nào của NHNN đều tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cả nền kinh tế, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Bùi Duy Trinh, Giám đốc của BanViet Land cũng cho rằng, Thông tư 36 mục đích thì rõ ràng, nhưng hiệu ứng thực tế thì đang gây ngược lại, bởi các nhà kinh doanh BĐS đang lấy vốn từ các tổ chức tín dụng. Nên “nếu thắt chặt cho vay và giảm tỷ lệ theo nội dung Thông tư 36, sẽ làm chặn một lượng huy động vốn cho thị trường này, các CĐT sẽ khó triển khai khi thiếu năng lực về tài chính, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị “tê liệt”. Do đó, việc sửa đổi điều chỉnh Thông tư 36 trong giai đoạn hiện nay chưa cần thiết”, ông Trinh kiến nghị.

Về phía ngân hàng, theo bà Huỳnh Lê Mai, Phó TGĐ ngân hàng OCB khối doanh nghiệp cho biết, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước buộc các nhà băng phải giảm tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và khó có thể đạt được mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, “ngân hàng cũng là một đơn vị kinh doanh nên việc điều chỉnh các chính sách tín dụng sẽ phụ thuộc vào cơ cấu cùa từng ngân hàng, trên cơ sở đảm bảo cho cả 3 bên: Nhà nước, CĐT và nhà băng”, bà Mai cho hay.

Thị trường BĐS hiện nay đang phát triển theo xu hướng tốt, bền vững và đang có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Việc giữ đà phát triển của thị trường BĐS một cách bền vững có tác động hỗ trợ tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của cả nước.

Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn, đô thị tại nông thôn còn rất nhiều. Tại nhiều địa phương, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu siết chặt tín dụng sẽ phản tác dụng trước những nỗ lực khôi phục thị trường thời gian vừa qua. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tư 36 có gây khó khăn cho thị trường bất động sản?