Chiều nay 13/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi).
Không bổ sung biện pháp cắt điện nước
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính được thông qua với 446 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 92,53%.
Trước khi thông qua toàn văn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 nội dung: không bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước và quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Giải trình về những nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến tán thành phương án 1 là không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”; một số ý kiến tán thành phương án 2, bổ sung biện pháp này.
Do ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận còn khác nhau, UBTVQH đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Kết quả: Có 207/399/481 vị đại biểu Quốc hội đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế này.
Có 190/399/481 vị đại biểu tán thành phương án 2 quy định bổ sung nội dung này.
Do số lượng đại biểu Quốc hội ủng hộ từng phương án chênh lệch nhau không lớn, đồng thời đều chưa vượt quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội, UBTVQH xin trình cả 02 phương án như thể hiện tại khoản 43 Điều 1 của dự thảo Luật để Quốc hội xem xét, quyết định.
Tại phiên họp hôm nay, trước khi thông qua toàn văn dự án luật, đại đa số các đại biểu đã bấm nút lựa chọn phương án 1.
Liên quan đến đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhiều ý kiến tán thành quy định đối tượng này theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể nội dung này vào dự thảo luật.
Ông Tùng báo cáo, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đang được điều chỉnh trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và dự thảo Luật này.
Việc quy định nội dung này trong Luật Phòng, chống ma túy là cần thiết, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật và để bảo đảm tính tổng thể của chính sách cai nghiện ma túy; đồng thời biện pháp này có mối quan hệ chặt chẽ với các quy định khác của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), ý kiến của các cơ quan có liên quan và qua nghiên cứu quy định của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cho thấy nội dung này còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Hơn nữa, theo Chương trình xây dựng luật, pháp luật, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2021), sau dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.
Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC quy định đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy là phù hợp nhằm tránh phát sinh mâu thuẫn giữa hai luật.
Thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 01/7/2021.
Đăng ký nhờ hộ khẩu phải có đủ tối thiểu 8m2 nhà
- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại hội trường, UBTVQH đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Kết quả lấy phiếu cho thấy: Có 235/402/481 đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 1 là quy định điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người;
Có 153/402/481 vị đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án là quy định điều kiện đăng ký thường trú là đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 01 năm trở lên.
Do đó, UBTVQH xin tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu và thể hiện theo hướng phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.
Về điều kiện đăng ký tạm trú đối với người đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ cũng có ý kiến khác nhau.
UBTVQH đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Kết quả lấy phiếu cho thấy, có 209/402/481 vị đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 1 là không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý;
Có 189/402/481 vị đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 2 là cần có quy định này.
Do đó, trên cơ sở thảo luận, thống nhất giữa các cơ quan có liên quan, UBTVQH xin tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đã thể hiện ý kiến và giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội là “Không quy định điều kiện riêng đối với người đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ”.
Về thời hạn tạm trú và thủ tục gia hạn tạm trú, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: UBTVQH đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Kết quả lấy phiếu cho thấy, có 180/402/481 vị đại biểu đồng ý với phương án 1 là quy định thời hạn đăng ký tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn;
Có 222/402/481 đại biểu đồng ý với phương án 2 không quy định về thời hạn đăng ký tạm trú.
Riêng đối với nội dung này, tuy số đại biểu tán thành phương án 2 nhiều hơn so với số tán thành phương án 1 do phần lớn đại biểu đều mong muốn giảm bớt thủ tục hành chính, hạn chế việc gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú…
Song qua nghiên cứu, thảo luận, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Bộ Công an thấy rằng, nếu không tiếp tục quy định về thời hạn tạm trú và định kỳ gia hạn tạm trú như đang thực hiện theo Luật hiện hành thì sẽ dẫn đến một số khó khăn, bất cập cho công tác quản lý về cư trú, khó bảo đảm nắm được chính xác số lượng người thực tế tạm trú trên địa bàn…
Do đó, trên cơ sở ý kiến tham mưu, đề xuất của các cơ quan, UBTVQH tiếp thu và thể dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú tối đa là 02 năm như Luật hiện hành; người đăng ký tạm trú có trách nhiệm làm thủ tục gia hạn tạm trú trong thời gian 15 ngày trước khi kết thúc thời hạn tạm trú.
Thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 01/7/2021.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế và 2 nghị quyết: Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.