Ngày 11/10, Đảng ủy TANDTC tổ chức Hội nghị tại 6 điểm cầu kết nối với điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương để nghe Báo cáo viên Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Đến dự Hội nghị ở điểm cầu trung tâm tại trụ sở TANDTC có đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC; đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, cùng các đồng chí trong BCH Đảng bộ TANDTC, BCH Đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các báo cáo viên cấp Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và các báo cáo viên của Đảng ủy TANDTC.
Cùng với điểm cầu trung tâm còn có các đồng chí trong BCH Đảng bộ, các Bí thư Chi bộ tại 5 điểm cầu: Học viện Tòa án, Vụ công tác phía Nam, TANDCC tại Hà Nội, TANDCC tại Đà Nẵng và TANDCC tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị đã được nghe đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và định hướng công tác tuyên truyền.
Theo đó, Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có nhiều đổi mới, đó là gửi các tài liệu theo quy định, quy chế cho các đại biểu nghiên cứu trước nên các báo cáo, tờ trình không đọc tại hội nghị mà dành thời gian để thảo luận các vấn đề tại hội nghị. Do đó, sau khai mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội nghị đã chia tổ thảo luận.
Hội nghị lần thứ 4 được diễn ra từ ngày 4-10 đến 7-10-2021 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã bàn, cho ý kiến về 5 nội dung: báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022; đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; về việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua; quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quy định về những điều đảng viên không được làm. Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5.
Theo đồng chí Lại Xuân Môn, khi cho ý kiến về các nội dung trên, hội nghị đã thống nhất đánh giá, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức so với năm 2020 nhưng chúng ta vẫn đạt được một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, như: đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp và kiện toàn các chức danh quan trọng của Nhà nước; đất nước vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, cơ bản đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống Covid-19 và các nhiệm vụ cấp bách khác.
Tuy nhiên, dưới tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là người dân trong các khu cách ly, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, lao động tự do… Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh.
Từ những kết quả đạt được và hạn chế trong 9 tháng qua, hội nghị đã xác định nhiệm vụ giải pháp chủ yếu 3 tháng còn lại của năm 2021 là chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình trong và ngoài nước, quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tập trung ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc; xử lý các vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục và chi phí trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp bị tác động trực tiếp vì Covid-19 để tạo nền tảng cho việc phục hồi các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp từ năm 2022 trở đi.
Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 là phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại; tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn; bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế.. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Rà soát, hoàn thiện về thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao vaccine. Phấn đấu năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt 6-6,5%.
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Từ đó, cần có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19…