Việt Nam mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU

Ngọc Mai| 19/12/2018 07:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện công tác giám sát một cách hiệu quả", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định.

Việt Nam mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu bế mạc hội nghị

Sau hai ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, ngày 18/12, Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, đạt được mục tiêu đề ra và tiến hành họp phiên bế mạc tại Nhà khách TP Đà Nẵng.

"Không có ai bị bỏ lại phía sau”

Phát biểu bế mạc, thay mặt Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cảm ơn Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để tổ chức thành công Hội nghị Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, những tham luận, ý kiến phát biểu và thảo luận tại Hội nghị đều có nội dung sâu sắc, mang đến nhiều kiến thức, thông tin mới, nhiều đóng góp tâm huyết về những vấn đề cụ thể liên quan đến việc thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam và việc áp dụng Bộ công cụ nghị viện tự đánh giá. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều khẳng định Bộ Công cụ tự đánh giá do IPU và UNDP xây dựng và ban hành có nội dung hết sức cô đọng, mang tính chất định hướng, có các tiêu chí cụ thể để Quốc hội các nước cùng tham khảo, áp dụng nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Đối với Bộ Công cụ, tùy điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển mà mỗi nước có thể xem xét áp dụng ở các mức độ khác nhau. Các chuyên gia quốc tế đã giới thiệu kinh nghiệm của nghị viện một số nước trong việc triển khai Bộ Công cụ này như: Fiji, Serbia, Djibouti, Mali, SriLanka, Bangladesh, Indonexia và đánh giá cao tính thực tiễn và toàn diện của nội dung Bộ Công cụ. Các kinh nghiệm quốc tế sẽ là những bài học hữu ích cho Quốc hội Việt Nam trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững và áp dụng Bộ Công cụ tự đánh giá trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng khẳng định các Nghị viện thành viên đóng vai trò quan trọng vào việc thực hiện SDGs; và cho rằng, các mục tiêu SDGs, nhất là những mục tiêu liên quan tới xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường v.v. là các mục tiêu tốt đẹp, hướng tới sự công bằng, phát triển toàn diện của xã hội và điều này cũng phù hợp với quan điểm phát triển của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho rằng, việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam còn có nhiều khó khăn và thách thức, do nguồn lực để thực hiện các SDGs là rất lớn, nhất là nguồn lực về tài chính. Hiện nay, Việt Nam vẫn chỉ đang là nước có thu nhập trung bình thấp; cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các vấn đề liên quan đến các mục tiêu còn chưa đầy đủ và đồng bộ; hệ thống các cơ quan của Quốc hội chưa có đầu mối trực tiếp phụ trách về SDGs; việc áp dụng một số tiêu chí trong Bộ công cụ để đánh giá việc thực hiện SDGs tại Việt Nam trong nhiều trường hợp còn chưa phù hợp với thực tế, ví dụ như các vấn đề liên quan đến phân bổ ngân sách, giám sát ngân sách… cần được cụ thể hóa cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngân sách nhà nước.

Đồng thời Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Thực tế, Việt Nam đã luôn là quốc gia tiên phong và là tấm gương trong việc thực hiện và hoàn thành các cam kết về phát triển bền vững trong cả khu vực và thế giới; hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện để nội luật hóa các cam kết quốc tế hoặc bảo đảm sự tương thích với pháp luật quốc tế;

Việt Nam đã hoàn thành được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có những hành động thực tế, phân công một phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách, nghiên cứu và lên kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nay cả hệ thống chính trị và toàn xã hội ủng hộ và thống nhất ý chí trong việc thực hiện SDGs.

Trên tinh thần đó Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu SDGs và sử dụng Bộ Công cụ có hiệu quả cho các đại biểu dân cử của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo để tập huấn, cung cấp thông tin… nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về các Mục tiêu phát triển bền vững; cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của Bộ Công cụ để việc áp dụng có tính hiệu quả và khả thi cao tại Việt Nam. Quốc hội cũng cần có cơ chế giám sát việc thực thi SDGs hiệu quả thông qua việc tổ chức giám sát chuyên đề hoặc lồng ghép trong việc giám sát các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường hơn nữa nhiệm vụ giải trình của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong việc thực hiện SDGs; đánh giá và quan tâm sâu sát hơn nữa các vấn đề thực hiện SDGs ở các địa phương để kịp thời có những giải pháp cho phù hợp; nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị lan tỏa đến mọi người dân và toàn xã hội về lợi ích của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

"Việt Nam mong muốn IPU, UNDP và các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên của IPU tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam thực hiện thành công các hoạt động này trong thời gian tới", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ. Đồng thời khẳng định: "Chúng ta khẳng định quyết tâm chính trị của của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, “Không có ai bị bỏ lại phía sau” và Việt Nam mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện công tác giám sát một cách hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá, Hội nghị lần này là dịp quan trọng để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động nhằm tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cấp quốc gia, phù hợp với những ưu tiên, yêu cầu và hoàn cảnh phát triển của mỗi địa phương.

Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thách thức

Trước đó sáng cùng ngày, Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” tiến hành phiên làm việc thứ 3. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu điều hành nội dung làm việc.

Tại hội nghị, các diễn giả nhận định Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thách thức khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản, vào cuối thế kỷ 21, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng từ 10 - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và GDP có thể tổn thất khoảng 10%. Bởi vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức trong quá trình thực hiện Mục tiêu số phát triển bền vững số 13 về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, diễn ra nhanh hơn so với dự báo, tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Tình trạng khai thác và sử dụng nước, phát triển thủy điện ở các nước trên thượng nguồn sông Hồng, sông Mekong đã và đang có ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tác động này làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu như gia tăng lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn”.

Qua 3 thập kỷ thực hiện xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn. Theo thống kê, 43 triệu người tại Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo trong giai đoạn từ 1993-2008. Tỉ lệ thiếu đói cũng giảm mạnh và thiếu đói kinh niên đã được xóa bỏ trong giai đoạn tiếp theo… Đây là những kinh nghiệm tốt để Việt Nam tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết: "Nâng cao khả năng tiếp cận lương thực cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi trong mọi tình huống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hệ thống chính sách phát triển kinh tế, các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Chương trình mục tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lương thực và tăng thu nhập để người dân khu vực nông thôn cải thiện khả năng tiếp cận lương thực; phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hệ thống giao thông, thương mại; hoàn thiện hệ thống phân phối lương thực thực phẩm, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận lương thực thuận lợi trong mọi tình huống; tiếp tục phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực quốc gia để người tiêu dùng tiếp cận những thông tin cơ bản về sản xuất, tiêu dùng lương thực trong nước và thế giới".

Để phát triển bền vững mục tiêu số 2 về Bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, Việt Nam cần thực hiện tốt các chương trình đang được triển khai như Nghị quyết số 63 của Chính phủ năm 2009 về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các Chương trình mục tiêu, Kế hoạch lớn mà ngành Nông nghiệp và PTNT đang thực hiện.

Bên thềm Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có buổi tiếp ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Việt Nam đang từng bước kết cấu lại các nội hàm cho sự phát triển của Việt Nam, việc xây dựng luật pháp của Quốc hội Việt Nam luôn dựa trên những mục tiêu thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong quá trình thực hiện, triển khai, Việt Nam gặp phải một số khó khăn.

Thứ nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gây sạt lở nghiêm trọng khu vực ven biển. Thứ hai là sự chênh lệch mức độ phát triển giữa các vùng miền khác nhau. Tiếp đến là công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hy vọng rằng Liên hợp quốc, với trách nhiệm và uy tín của mình, sẽ tích cực giúp đỡ Việt Nam trong các vấn đề này.

Tại buổi tiếp, ngài Kamal Malhotra tái cam kết sự ủng hộ của Liên hợp quốc với Quốc hội Việt Nam trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đồng thời khẳng định việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số luôn là mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua quỹ khí hậu xanh, xây dựng nhà ở chống chịu với thiên tai. Tận dụng ngay Hội nghị lần này, Liên hợp quốc cũng sẽ triển khai nhóm quản lý dự án riêng để hỗ trợ bồi dưỡng cho các đại biểu quốc hội.

Hai bên thống nhất sẽ tích cực trao đổi để xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể trong năm 2019, trước mắt là chuyến thăm và khảo sát một số tỉnh miền núi phía Bắc vào mùa xuân tới.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU