Tránh đầu tư dàn trải, lãng phí và hiệu quả thấp trong đầu tư đối tác công tư

Ngọc Mai| 11/11/2019 17:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối với các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP cần có định hướng thu hút đầu tư gắn kết chặt chẽ với các ưu tiên đầu tư quốc gia, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí và hiệu quả đầu tư thấp, các đại biểu đưa ra ý kiến thảo luận về dự thảo Luật PPP.

Tránh đầu tư dàn trải, lãng phí và hiệu quả thấp trong đầu tư đối tác công tư

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 11/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ, việc ban hành Luật PPP quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (ngân sách Nhà nước, đầu tư, đầu tư công, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, đấu thầu...).

Hơn nữa, để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của các pháp luật điều chỉnh hợp đồng.

Trong khi đó, hiện nay khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Do đó cần thiết ban hành Luật PPP.

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật PPP

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy tại Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ lý do của việc đề xuất thay đổi tên gọi của dự án Luật nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, cũng như để phản ánh được bản chất cơ chế đầu tư đối tác công tư và không làm thay đổi phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung của dự án Luật. Do đó, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất thay đổi tên gọi của dự án Luật là ”Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

Các ĐBQH cũng nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật PPP nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công - tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm khung pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đa số các ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật đã làm rõ được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, cũng như khẳng định được mục tiêu của hoạt động đầu tư PPP nhằm thu hút khu vực tư nhân đầu tư phát triển công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát quy định tại Khoản 2, Điều 3 dự thảo Luật, cụ thể hơn về cách thức xử lý những quy định khác nhau giữa dự án Luật này đối với một số nội dung đã được quy định tại một số luật khác có liên quan như về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án, bảo đảm đầu tư tại Luật Đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư tại Luật Đấu thầu; về cơ chế quản lý vốn nhà nước tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý nợ công; hoạt động của doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp... nhằm bảo đảm nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tránh dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp

Tuy nhiên, về lĩnh vực đầu tư của dự án PPP, khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) cho rằng, việc ghi rõ từng khoản, mục, lĩnh vực đầu tư là quá cụ thể, sẽ vướng trong triển khai thực tế. Ví dụ, đầu tư theo phương thức PPP chỉ quy định với nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện, vậy còn dịch vụ cung cấp điện, chiếu sáng công cộng có được đầu tư theo phương thức này không? Hiện nay toàn bộ hệ thống điện công cộng là đèn cao áp, nếu tư nhân muốn đầu tư đèn led với thời gian sử dụng tốt hơn, lâu hơn, sáng hơn, tiết kiệm điện hơn và họ hưởng chênh lệch giá điện giữa đèn led và điện cao áp thì có được không? Rất nhiều lĩnh vực Nhà nước không thể đầu tư hết do không đủ nguồn lực.

Tương tự, chúng ta đầu tư theo phương thức PPP cho lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, vậy văn hóa, thể thao có được không? Tại sao không đề cập đến trong dự thảo Luật?, ĐB Nguyễn Thanh Quang đặt câu hỏi.

Một số ĐBQH cho rằng, nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế thì việc tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang tính lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là cần thiết và phù hợp.

Do đó, đối với các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP cần có định hướng thu hút đầu tư gắn kết chặt chẽ với các ưu tiên đầu tư quốc gia, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí và hiệu quả đầu tư thấp.

Dự thảo Luật đã xác định một số lĩnh vực đầu tư cần thiết, cũng như có quy định mở đối với các lĩnh vực phát sinh trong tương lai cần đầu tư theo phương thức PPP trên nguyên tắc các lĩnh vực khác phải phù hợp với quy định về lĩnh vực đầu tư công và khả năng bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu dự án có sử dụng vốn đầu tư công).

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP và thống nhất, đồng bộ với quy định tại các luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên trong lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh đầu tư dàn trải, lãng phí và hiệu quả thấp trong đầu tư đối tác công tư