Thủ tướng: "Sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau" trong DNNN là có

Xuân Lan| 16/10/2019 15:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước là còn, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau là có, chúng ta phải chú ý khắc phục cái này, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Thủ tướng:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị ngày 16/10

Sáng 16/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ  đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung chính là khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách DNNN, “hiểu rõ chủ trương, quan điểm để làm tốt hơn nhiệm vụ của các DNNN, bảo đảm đúng hướng, hiệu quả, bền vững, coi trọng vai trò DNNN. “Chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng tình hình, đúng kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan để làm tốt hơn, có kinh nghiệm hơn trong việc này”. Hội nghị cũng tập trung bàn về giải pháp trọng tâm thời gian tới tập trung trả lời câu hỏi chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy mạnh mẽ về cơ cấu lại, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN.

Tồn tại, hạn chế của DNNN chủ yếu do nguyên nhân chủ quan

Thủ tướng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật, trong đó, kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước bao gồm tài sản Nhà nước, ngân sách Nhà nước, đất đai, hầm mỏ và DNNN. Với vai trò quan trọng như vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 4 hội nghị lớn bàn về DNNN.

“Chúng ta đã có nhiều cách làm, nhiều chủ trương nên chúng ta đã chống cái trì trệ, thất thoát, kém hiệu quả về cơ bản trong DNNN”, Thủ tướng nói. Do đó, tài sản tăng, hàng tồn kho giảm, doanh thu tăng, nộp ngân sách Nhà nước cao hơn.

Hiệu quả hoạt động của DNNN được cải thiện hơn, thể hiện được vai trò chủ đạo trên lĩnh vực, tạo nguồn thu lớn. Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tái cơ cấu thành công.

Đề cập đến các tồn tại để khắc phục, Thủ tướng cho rằng, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, Lũy kế giai đoạn 2016-tháng 9/2019, mới cổ phần hóa được 36 doanh nghiệp (đạt 28% kế hoạch).

Phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa lịch sử gặp nhiều khó khăn, có nơi chậm, có nơi thiếu quyết tâm tháo gỡ.

Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa tuân thủ quy định về quản lý giao dịch, niêm yết trên thị trường DNNN.

“Nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan, chúng ta phải tự liên hệ thấy nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”, Thủ tướng nói. Trước hết là nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng. Vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước là còn, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau là có, “chúng ta phải chú ý khắc phục cái này, để làm sao DNNN cùng với hệ thống chính trị đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đang lãnh đạo quyết liệt”.

Thủ tướng nêu rõ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta. Sự lớn mạnh của các tập đoàn là kỳ vọng của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ để giải quyết các thách thức phát triển kinh tế xã hội mà còn là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế mà chúng ta đang đặt ra trong quá trình chiến lược phát triển của đất nước.

Mỗi tập đoàn, DNNN phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo

Trước thách thức của thời đại mới, cạnh tranh khốc liệt, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, sự biến động nhanh của thị trường trong nước, quốc tế, sự tụt hậu về công nghệ, sự khắt khe các rào cản thị đường, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng cần đổi mới, cải cách kịp thời hơn để bảo đảm vai trò tiên phong và chủ lực của mình.

Các DNNN cần khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn. Bộ máy điều hành, hệ thống quản trị phải được kiện toàn, nâng cấp thông qua áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại. Chính vì vậy, bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện các quy trình, nâng cao tính tự chủ và kỷ luật để tăng năng lực cạnh tranh của tập đoàn, tổng công ty, kể cả hệ thống chỉ số để theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh doanh thực hiện chiến lược cần phải đặt ra.

Phải đi đầu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo. “Bổn cũ chép lại không ổn đâu”, Thủ tướng lưu ý, sự chậm chạp, lạc hậu còn có trong một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Cần đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chất lượng cao, đi tiên phong trong đầu tư nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ, từ đó xây dựng một thế hệ sinh thái các doanh nghiệp vừa và nhỏ xung quanh mình, các nhà cung ứng phân tầng, hình thành chuỗi giá trị và nâng cao năng lực  cạnh tranh. “Các đồng chí phải là người đi đầu trong thực hiện cuộc cách mạng công nghiêp 4.0”.

Phải chủ động hơn nữa trong hội nhập, vươn ra cạnh tranh quốc tế, vai trò chủ đạo của các tập đoàn là lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm bàn đạp để vươn mình hội nhập kết nối với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng nhất trí, ủng hộ quan điểm “trao quyền tự chủ cho anh em điều hành, tin anh em nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực”, “không để cái gì cũng chạy đi xin”.

Phải khắc phục được những thất bại của thị trường, góp phần kiến tạo nền tảng phát triển ở những địa bàn khó khăn; quan tâm đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư và những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, cần rà lại hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, kể cả chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh, kể cả khung mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tạo tâm lý an tâm và thúc đẩy tìm kiếm hiệu quả đầu tư.

Ví DNNN như chiếc ô tô tải đi giữa đường phố đông người, Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý, kể cả DNNN, công tác cán bộ, đầu tư các dự án phải nhanh nhạy hơn, không để chậm quá lâu như thời gian qua. Đừng tạo ra tầng nấc hành chính, gây khó khăn, trở ngại cho DNNN, “phải nóng ruột, hồ sơ để trên bàn ông 1-2 ngày là xong”,  cứ “sống chết mặc bay” thì làm sao phát triển được, Thủ tướng nhắc. Phải khắc phục các mặt yếu kém này để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết,  hướng dẫn thi hành các Nghị định nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh,  “có những việc thuộc về pháp luật mà vướng mắc thì các đồng chí sớm trình Chính phủ để sớm trình Quốc hội”.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 707/QĐ-TTg thì các cơ quan, đơn vị sẽ phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 526 DNNN.

Tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707. Số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 (chiếm 71%).

Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.694 tỷ đồng.

Về tình hình thực hiện thoái vốn, lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018 có 502 DNNN, theo đó tổng vốn chủ sở hữu tăng 5%, tổng tài sản tăng 2%, tổng doanh thu tăng 9%, nộp ngân sách Nhà nước tăng 5% so với thực hiện năm 2017.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: "Sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau" trong DNNN là có