Thủ tướng: Dự kiến hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2019

Xuân Lan| 21/10/2019 12:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 21/10, Thủ tướng cho biết, dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Như tin đã đưa, sáng nay, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. 

Đời sống của nhân dân chuyển biến rõ nét

Báo cáo trước Quốc hội Thủ tướng cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.

Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Thế và lực của ta không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên. Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay - như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu, góp phần quan trọng tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế. 

Một số kết quả nổi bật được Thủ tướng nêu rõ như:

Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7% . Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, chúng ta vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Tổng thu NSNN vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP) .

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp . Xử lý nghiêm nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại...

Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến lớn; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 11,5 - 12%; thương mại điện tử tăng mạnh. Khách quốc tế ước đạt 18 triệu lượt, tăng 16,1%. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống...

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ đất nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những yếu tố ngắn hạn và cũng có những vấn đề trung và dài hạn cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới.

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm. Quản lý quy hoạch, đô thị còn bất cập. Phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu...

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường còn những bất cập. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… còn xảy ra ở một số địa phương. Sử dụng đất đai, tài nguyên vẫn còn lãng phí ở nhiều nơi.

Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bất cập; thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế. Cải cách thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa thực chất; còn tình trạng tham nhũng vặt.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế. Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị...

Không ngừng đổi mới, sáng tạo để vượt qua thách thức

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nền kinh tế nước ta đang khá ổn định, tăng trưởng đạt khá trong khi lạm phát trong tầm kiểm soát. Nguồn lao động dồi dào, có trình độ và khả năng thích nghi tốt với những thay đổi khoa học công nghệ.

Kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, một số Hiệp định FTA thế hệ mới quan trọng có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng lợi ích đã và sẽ có hiệu lực như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được kỳ vọng về đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế trong nước, mở ra cơ hội cho phát triển công nghiệp và mở rộng thị trường, đầu tư cho phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa. Uy tín và vị thế của quốc gia ngày càng được củng cố trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, nội tại nền kinh tế còn khá nhiều vấn đề, như: chất lượng tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh quốc gia cải thiện chưa nhiều; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng nhu cầu; năng lực khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế; thị trường các nhân tố đầu vào sản xuất vận hành chưa hiệu quả, nhất là thị trường nguyên liệu và đầu vào trung gian; khu vực doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế cả về vốn, công nghệ, lao động có kỹ năng và năng lực quản trị,...

Trong trung và dài hạn, nhu cầu vốn sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng các yêu cầu phát triển trong khi nguồn vốn ưu đãi và viện trợ sụt giảm. Cân đối ngân sách nhà nước cũng có thể khó khăn hơn trước tác động bất lợi. Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Độ mở của nền kinh tế lớn làm các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn; khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những tác động của nền kinh tế khu vực và toàn cầu, ứng phó và xử lý những khó khăn thách thức còn hạn chế.

Nhìn chung, đến hết năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội đất nước duy trì xu hướng cải thiện tích cực từ đầu nhiệm kỳ (năm 2016): kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát hằng năm được kiểm soát thấp hơn mục tiêu đề ra; tăng trưởng đạt khá, bình quân tăng 6,72%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra (6,5-7%), chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ nét, mức đóng góp của TFP và năng suất lao động tăng mạnh so với giai đoạn trước và vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra; các nhiệm vụ phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên.

Bước sang năm 2020, mặc dù có một số yếu tố thuận lợi, nhưng bối cảnh trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời là năm cuối kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Yêu cầu toàn hệ thống cần kiên định mục tiêu, nhiệm vụ, giải  pháp đề ra, nỗ lực thực hiện với quyết tâm cao hơn để củng cố và duy trì vững chắc kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, tranh thủ thời cơ, không ngừng đổi mới, sáng tạo để vượt qua thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm để tạo tiền đề thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thị trường trong nước và các ngành dịch vụ, du lịch.

Phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục tinh gọn bộ máy; tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc. Củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020; giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Dự kiến hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2019