Thủ tướng: Bằng mọi cách phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân ĐBSCL

Xuân Lan| 23/09/2020 16:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nội dung trên tại cuộc làm việc với các địa phương ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô, diễn ra chiều ngày 23/9.

 Thủ tướng: Bằng mọi cách phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân ĐBSCL

 Thủ tướng: Không để tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra

Tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Cho biết theo dự báo của các cơ quan chức năng về mức độ hạn năm 2020 tại vùng ĐBSCL sẽ nặng nề hơn năm 2016, Thủ tướng đề nghị thảo luận “những biện pháp nào trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất tổn thất do hạn mặn, bảo đảm cuộc sống của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”.

Thủ tướng nhắc lại câu chuyện năm 2016, khi Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới, cũng là năm hạn mặn lớn, nặng nề, nhiều cánh đồng khô cháy, dẫn đến đời sống nhân dân rất khó khăn, thiệt hại nông nghiệp vô cùng lớn.

Tiếp theo, năm 2019, chúng ta cũng gặp tình trạng hạn mặn nặng nề. Ngày 27/9/2019, tại Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị có sự tham dự của Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp, các cơ quan liên quan dự, thảo luận các chủ trương, biện pháp chủ động ứng phó.

Sau đó, tháng 1/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì một hội nghị tại Bến Tre để xử lý những vấn đề rất cụ thể, tiếp tục triển khai các chủ trương đưa ra tại hội nghị ngày 27/9/2019.

Nhờ sự chủ động chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt nhận thức của người dân, với sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền 14 tỉnh ĐBSCL, cho nên, thiệt hại do hạn mặn năm 2019 đã giảm xuống (chỉ bằng 7-8% năm 2016). Nhiều tỉnh đã xử lý tốt vấn đề nước uống cho người dân.

Nếu chúng ta chủ động ngay từ đầu thì tình hình thiệt hại sẽ giảm thiểu, Thủ tướng nêu rõ. Vì vậy, cuộc làm việc hôm nay thảo luận, tìm giải pháp mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. “Chúng tôi nêu ra một số chủ trương ứng phó sớm, ngay từ bây giờ để các đồng chí cho ý kiến, ví dụ như vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong đó có đặt vấn đề giảm diện tích gieo sạ lúa Đông Xuân không?”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, cuộc làm việc về chống hạn mặn được tổ chức sớm (hiện đang mùa mưa) vì có vấn đề cần bàn là tích trữ nước ngọt, nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, cũng như triển khai nhiều giải pháp trữ nước ngọt khác cho sinh hoạt, cho người dân và đặc biệt cho tưới tiêu, nhất là một số cây nhạy cảm với nước mặn như sầu riêng… Thủ tướng nêu rõ “bằng mọi cách chúng ta phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, không để tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra”.

Không để nước mặn quá sâu thì cần biện pháp nào về mặt thủy lợi. Nhắc đến bài học Israel phát triển nông nghiệp trong bối cảnh bị sa mạc hóa, Thủ tướng đặt vấn đề, “chúng ta cứ tưới mãi kiểu cũ hay tưới nhỏ giọt, những tiến bộ kỹ thuật nào bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp…”.

 Thủ tướng: Bằng mọi cách phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân ĐBSCL

 Thủ tướng trong chuyến khảo sát sáng ngày 23/9

Trước đó trong sáng cùng ngày, tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại xã Hiệp Đức, xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Cùng đi với Thủ tướng có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số bộ, ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.

Đến thăm vườn trồng cây sầu riêng của ông Mai Văn Âu, Thủ tướng đã hỏi thăm tình hình sản xuất, thu nhập cũng như ảnh hưởng của hạn mặn, về việc “nông dân chuyển vụ sản xuất như thế nào, hiệu quả ra sao, có tiếp tục mô hình hay không”.

Ông Mai Văn Âu, chủ của mô hình sản xuất sầu riêng “trái mùa nghịch vụ” chia sẻ, lúc chưa có hạn mặn, cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi 1 ha thu hoạch khoảng 20-25 tấn sầu riêng, với giá khoảng 60-70 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi khoảng 1,1 tỷ đồng. Ông kiến nghị Nhà nước làm cửa ngăn mặn cho một số tỉnh ĐBSCL, hỗ trợ kinh phí cho huyện Cai Lậy làm kênh nội đồng để tăng lượng trữ nước ngọt, có cơ chế hỗ trợ người dân phục hồi vườn cây suy kiệt. Ông mong muốn cả các cơ chức năng cử cán bộ xuống giúp nông dân sản xuất sầu riêng theo quy trình Vietgap, có thương hiệu, xuất xứ để dáp ứng yêu cầu của đối tác.

Trao đổi với bà con nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mô hình sản xuất của Cai Lậy, hiện có tới 10.000 ha trồng sầu riêng (cả nước có 22.000 ha sầu riêng), với hiệu quả cao.

Chia sẻ với bà con về khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, Thủ tướng bày tỏ, “Đảng, Nhà nước thấu hiểu vấn đề này, chuyển lời thăm hỏi, động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn”.

“Tôi vừa vào thăm vườn sản xuất trái vụ, vừa hiệu quả cao do được giá, đi liền với đó không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn”, Thủ tướng cho rằng, cần xem xét chuyển đổi mùa vụ phù hợp. Đây là hướng đi cần thiết. Từ kinh nghiệm của hộ nông dân Mai Văn Âu nên chuyển giao cho nhiều hộ khác.

Ghi nhận ý kiến của bà con, Thủ tướng cho rằng, cần có nghiên cứu tầm quốc gia về việc ngăn mặn vào sâu. Trong bối cảnh sắp tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng thì việc tích nước ngọt cũng rất quan trọng. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước “làm hết sức mình để giảm thiểu thiệt hại hạn mặn”, Thủ tướng mong muốn bà con đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, chiến thắng thiên tai, huyện Cai Lậy anh dũng không thể thua trước thiên nhiên.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề về đa dạng hóa các loại cây trồng trước tình hình biến đổi khí hậu sâu sắc.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ đến sớm hơn, gay gắt hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN), nhưng ít khả năng nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.

Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, dự kiến có thể xảy ra 2 kịch bản. Theo kịch bản 1, các cửa sông Cửu Long: Ranh mặn 4 g/lít cao nhất từ 55-65 km (tùy cửa sông), cao hơn TBNN từ 10-20 km, tương đương năm 2016, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13 km.

Tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 85.000 ha lúa, 50.000 ha cây ăn trái.

Theo kịch bản 2, tại các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/lít cao nhất từ 65-75 km (tùy cửa sông), cao hơn từ 20-30 km so với TBNN, cao hơn năm 2015-2016 từ 3-5 km, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020. Tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 97.000 ha lúa, 82.000 ha cây ăn trái.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Bằng mọi cách phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân ĐBSCL