Thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Ngọc Mai| 08/06/2020 11:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (8/6), với 94,82% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Tham dự nội dung làm việc này của Quốc hội có Trưởng Đại diện Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Đại sứ các nước thành viên EU tại Việt Nam.

Trình bày dự thảo Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 25 tháng 6 năm 1957 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Về áp dụng điều ước quốc tế, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105.

Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Nghị quyết giao Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước số 105, phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 105; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 105 và những nội dung liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc gia nhập Công ước số 105 và thông báo thời điểm Công ước số 105 có hiệu lực đối với Việt Nam.

Để giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Sau phần trình bày của  Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết về Nghị quyết này.

Kết quả biểu quyết cho thấy 458/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,82% tổng số đại biểu Quốc hội. Với kết quả này, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết vào sáng ngày 8/6

Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức của UBTVQH cho biết, ngày 20/5/2020, Quốc hội thảo luận trực tuyến việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Các ý kiến ĐBQH đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.

Đồng thời, các ý kiến Đại biểu Quốc hội cho rằng các nội dung của Công ước số 105 không trái với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức