Việt Nam: Điểm sáng về thành tựu quyền con người

Quang Minh| 18/02/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một năm đánh dấu mốc thời gian quan trọng, đó là ngày 5-2-2014, Việt Nam chính thức bảo vệ thành công hồ sơ nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Trong bối cảnh Việt Nam vừa trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên: 184/192 phiếu.

Giảm nghèo toàn diện và bền vững

Dù có nhiều quan điểm còn dè dặt trong đánh giá, thậm chí là luận điệu cố tình bôi nhọ, nhưng đến nay không ai có thể phủ nhận Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiến pháp mới của Việt Nam đã hiến định quyền con người là một quyền cơ bản. Thực tế thời gian qua cũng đã cho thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó đặc biệt là giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố cơ bản trong việc bảo đảm các quyền con người và các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ (MDGs).

Việt Nam: Điểm sáng về thành tựu quyền con người

Trong những năm gần đây, công cuộc giảm nghèo tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế và chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn MDGs về xóa đói, giảm nghèo. Xu thế giảm mạnh được thể hiện ở cả 3 thước đo nghèo quan trọng: tỷ lệ nghèo, khoảng cách nghèo và mức độ nghiêm trọng của nghèo. Điều quan trọng là không chỉ một số lượng lớn người dân thoát nghèo mà mức sống và chất lượng sống của họ được cải thiện đáng kể.

Các chương trình và chính sách giảm nghèo của Chính phủ tập trung trên ba chiến lược chính: thúc đẩy các hoạt động sản xuất và sinh kế để tăng thu nhập cho người nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ xã hội, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức ở vùng nghèo. Những chiến lược này được hiện thực hóa bằng các chương trình quốc gia hỗ trợ giảm nghèo và phát triển xã hội.

Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo là chương trình lớn và quan trọng, có tác động mạnh đến giảm nghèo và nâng cao điều kiện sống của người nghèo. Với chính sách toàn diện thúc đẩy mọi khía cạnh quan trọng của đời sống và hướng đến nhóm dân cư dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất ở vùng sâu, vùng xa, các chương trình này đã đạt được mục tiêu chung là giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống của nhóm cư dân. Kết quả đánh giá tác động qua 3 năm thực hiện cho thấy tỷ lệ nghèo đã giảm 4-5%/năm và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, điện, nước sạch của các hộ gia đình tăng đáng kể.

Đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy quyền phụ nữ

Những tiến bộ trong việc đảm bảo an sinh xã hội được thể hiện rõ qua việc xây dựng và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống cho người dân.

Việt Nam: Điểm sáng về thành tựu quyền con người

Việt Nam đã thiết kế các nhóm chính sách ngày càng đồng bộ hơn về phát triển thị trường lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, giảm nghèo và hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đối với những nhóm xã hội cần sự trợ giúp như người nghèo hoặc cận nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, trong giai đoạn 2011-2012, Nhà nước đã chi 22.303 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ) để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Nhà nước cũng chi 11.844 tỷ đồng (trên 500 triệu đô la Mỹ) để thực hiện chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo như miễn giảm học phí cho con hộ nghèo, hộ chính sách, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ đến 5 tuổi.

Chính phủ Việt Nam cũng luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để đảm bảo quyền của phụ nữ. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ như: xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật; ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN). Phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như: Phó Chủ tịch nước, hai Phó Chủ tịch Quốc hội, có hai nữ Bộ trưởng; 14/30 Bộ hoặc cơ quan trực thuộc Chính phủ có Thứ trưởng là nữ v.v. Nỗ lực bảo đảm bình đằng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận: theo xếp hạng năm 2012 của LHQ về chỉ số bất bình đẳng giới (GII), Việt Nam xếp thứ 47/187 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010.

Coi trọng các quyền của trẻ em và người khuyết tật

Tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020, hướng tới thực hiện mục tiêu tổng quát là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.

Việt Nam là nước đầu tiên tại châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia Công ước về Quyền trẻ em (CRC) và Nghị định thư bổ sung số 1 và số 2. Nhà nước Việt Nam đã và đang có những nỗ lực lớn trong việc triển khai thực hiện trên phương diện hoàn thiện chính sách pháp luật, nội luật hoá các quy định của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền trẻ em vào hệ thống pháp luật quốc gia, và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Bên cạnh việc Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến khu vực và quốc tế nhằm tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan đến quyền trẻ em, thì Việt Nam đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2008 và hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong năm 2014, cũng như đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy quyền của người khuyết tật.

Trong lộ trình phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật, Việt Nam đã ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010 và xây dựng các văn bản thi hành. Chính sách chung của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng về các quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và phát huy khả năng của họ để ổn định đời sống, hoà nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 nhằm đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về 7 lĩnh vực ưu tiên trong Thập kỷ thứ II Thiên niên kỷ Biwako về người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Rõ ràng sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… đã được khẳng định trong thời gian qua.
Trong hầu hết các khuôn khổ đối thoại và hợp tác về quyền con người cả song phương lẫn đa phương, các nước và các đối tác quốc tế đều bày tỏ ghi nhận đối với những thành tựu Việt Nam đã đạt được, nhất là trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam: Điểm sáng về thành tựu quyền con người