Hội nghị góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhiều ý kiến, tham luận có ý nghĩa thiết thực

Tống Toàn - Tiến Anh| 17/01/2014 20:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với trí tuệ tập thể, hàng loạt ý kiến, tham luận sâu sắc của các đại biểu tại Hội nghị đã góp ý cho Ban soạn thảo dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nhiều đóng góp bổ ích.

Ngày 16/1/2014, tại Trường Cán bộ Tòa án, TANDTC tổ chức Hội nghị góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), thành phần gồm Chánh án TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tòa án quân sự Quân khu và tương đương; lãnh đạo chủ chốt các đơn vị thuộc TANDTC để thảo luận và góp ý kiến đối với dự thảo Luật. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC và các Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Tống Anh Hào, Tưởng Duy Lượng. Đồng chí Trương Hòa Bình (Trưởng ban soạn thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi), đồng chí Nguyễn Sơn (Phó trưởng ban soạn thảo) đã có ý kiến định hướng Hội nghị về những vấn đề cần tập trung thảo luận, nghiên cứu.

 

Đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh, theo chương trình dự kiến, UBTVQH sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo Luật trong phiên họp tháng 3/2014, Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014). Như vậy, thời gian để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật không còn nhiều. Các ý kiến phát biểu của các đại biểu là trí tuệ của tập thể đội ngũ những người trực tiếp làm công tác Tòa án và sẽ được tổng hợp để Ban Cán sự Đảng TANDTC cân nhắc, quyết định các phương án thể hiện trong dự án Luật.

 

Hội nghị góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhiều ý kiến, tham luận có ý nghĩa thiết thực

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phát biểu tại Hội nghị

 

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức Tòa án năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002, hệ thống Tòa án đã từng bước được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất của ngành Tòa án đã có bước cải thiện nhất định, tạo điều kiện để ngành Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật, Pháp lệnh trên cho thấy, hệ thống Tòa án ở nước ta đang chứa đựng, bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập cả về tổ chức và hoạt động. Nhìn chung, tổ chức và hoạt động của các Tòa án chưa theo kịp với sự phát triển và đòi hỏi của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, chồng chéo nhau về nhiệm vụ, thẩm quyền.

 

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tòa án từng cấp còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp. Đáng lưu ý là việc pháp luật quy định chưa rõ ràng về địa vị pháp lý của TANDTC dẫn đến hệ thống TAND được tổ chức như một Bộ, ngành mà chưa phải là một thiết chế, hệ thống cơ quan thực hiện một trong những quyền lực Nhà nước, đó là quyền tư pháp. Từ đó, việc xử lý các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án, chế độ, chính sách cho Thẩm phán, Hội thẩm và cán bộ, công chức Tòa án còn nhiều bất cập, không tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan Tòa án trong bộ máy Nhà nước, chưa đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của TAND theo tinh thần cải cách tư pháp, trong đó, Tòa án được xác định là trung tâm, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. 

 

Vì vậy, bên cạnh yêu cầu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp (sửa đổi 2013), Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phải thể hiện tổ chức Tòa án 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy của Tòa án từng cấp, kể cả đối với Tòa án quân sự; đổi mới tổ chức, hoạt động của TANDTC, bảo đảm địa vị pháp lý của TANDTC là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp cao nhất trong hệ thống Tòa án, tạo cơ chế khoa học và khả thi về tổ chức và phương thức hoạt động để TANDTC thực hiện tốt nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử và phát triển án lệ; đổi mới cơ chế bảo đảm các điều kiện về nguồn lực tài chính và nhân lực cho hoạt động của Tòa án như cơ chế phân bổ ngân sách, xác định số lượng Thẩm phán, biên chế cán bộ và chế độ chính sách đặc thù với hoạt động Tòa án; đổi mới chế định Thẩm phán và Hội thẩm theo hướng xác định rõ các chức danh, địa vị pháp lý của Thẩm phán và Hội thẩm ở Tòa án từng cấp; nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán… Vì vậy, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) mà Ban soạn thảo đưa ra gồm 11 chương, 91 điều.

 

Nhiều tham luận, ý kiến thảo luận đã nêu tại Hội nghị, đa số các ý kiến đồng tình về việc cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của các TAND. Nhiều đại biểu nhấn mạnh tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán. Chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, Hội thẩm, các điều kiện hoạt động của TAND nhằm bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt quyền tư pháp - nhiệm vụ mà Hiến pháp quy định đối với TAND. Đa số các ý kiến tán thành việc các Tòa án được tổ chức trong một hệ thống thống nhất gồm 4 cấp (TAND sơ thẩm khu vực; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND cấp cao và TANDTC) như trong dự thảo. 

 

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc TANDTC, đặc biệt là các đơn vị giúp việc cho Chánh án và những đơn vị làm nhiệm vụ giám đốc xét xử. Cũng có ý kiến đề nghị không thành lập Tổng cục Tòa án như trong dự thảo mà thành lập Bộ quản lý Tòa án để bảo đảm thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý các Tòa án. Đối với Văn phòng TANDTC, cần quy định người đứng đầu Văn phòng là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng TANDTC để phản ánh đúng địa vị pháp lý của Văn phòng.

 

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định chặt chẽ việc giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động của Tòa án để tránh việc lợi dụng giám sát, can thiệp vào công tác xét xử. Có ý kiến đề nghị cân nhắc lại trách nhiệm của Tòa án trong việc phối hợp, tạo điều kiện cho việc thi hành án (nên quy định theo hướng chỉ phối hợp khi cần thiết)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhiều ý kiến, tham luận có ý nghĩa thiết thực