Công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2015: Xử lý nhiều cán bộ liên quan đến tham nhũng

Quốc Huy| 23/07/2015 20:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 23/7, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp báo về công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2015. Tại cuộc họp, lãnh đạo TTCP đã trả lời các câu hỏi liên quan đến những sai phạm; thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài trong vụ án Giang Kim Đạt...

Phát hiện vi phạm 11.300 tỷ đồng

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Ngô Văn Khánh cho biết: 6 tháng đầu năm 2015, toàn ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm gần 11.300 tỷ đồng, 656ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước trên 7.590 tỷ đồng và gần 515 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 1.830 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm 405 tập thể, 23 cá nhân, chuyển Cơ quan điều tra 28 vụ, 76 đối tượng.

Công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2015: Xử lý nhiều cán bộ liên quan đến tham nhũng

Quang cảnh cuộc họp báo

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, phát hiện 23 đơn vị vi phạm về công khai, minh bạch; 13 vi phạm về việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, kiến nghị thu hồi và bồi thường 6,2 tỷ đồng (đã thu 5,7 tỷ đồng); chuyển đổi vị trí công tác 8.649 cán bộ, công chức, viên chức; 18 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 11 người.

Ngành Thanh tra cũng đã phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 9 cá nhân, xử lý hình sự 9 vụ, 7 đối tượng. Cơ quan điều tra ngành Công an đã thụ lý điều tra 225 vụ, 600 bị can phạm tội về tham nhũng, kết luận điều tra đề nghị truy tố 103 vụ, 272 bị can, đang tiếp tục điều tra 114 vụ, 320 bị can.

Đáng chú ý là có một người tố cáo, phát hiện tham nhũng được khen thưởng.

Tại buổi họp báo lãnh đạo TTCP cũng đã trả lời các câu hỏi của các phóng viên về những vấn đề liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng một số vụ án lớn như Giang Kim Đạt, vấn đề kê khai tài sản; liên quan đến việc bổ nhiệm các lãnh đạo tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước...

Trả lời câu hỏi về tỷ lệ kê khai tài sản hiện còn rất thấp, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng TTCP cho biết, cơ quan này không quản lý trực tiếp các đầu mối kê khai tài sản mà thông qua các cấp hành chính: 22 Bộ, 63 địa phương, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, Đảng, Quốc hội và các cơ quan tư pháp. TTCP chỉ quản lý 101 đầu mối nên hiện còn thiếu 3 đầu mối chưa có thông tin báo cáo do có cá nhân chưa kê khai.

Sẽ thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài

Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng trong vụ án Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH MTV vận tải Viễn dương Vinashin, thuộc Tập đoàn Vinashin) vừa bị bắt về tội chiếm đoạt gần 19 triệu USD và chuyển rất nhiều tiền tham ô, tham nhũng ra nước ngoài, ông Hùng cho biết: Việt Nam - Singapore đã ký Công ước và có hợp tác trong thu hồi tài sản tham nhũng, Cơ quan chống hành vi tham nhũng của Singapore cũng đã trao đổi với TTCP về nội dung này. Hiện nay, TTCP cũng đang rất tích cực theo dõi và xử lý để từng bước thu hồi tài sản theo quy định.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, hiện đã có quy định về kê khai tài sản nhưng vẫn chưa ban hành được đề án kiểm soát thu nhập của CBCC. Nếu quy định này được thực thi sẽ ngăn chặn được tài sản bất minh, tẩu tán ra nước ngoài và thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản khi có hành vi tham nhũng.

Liên quan đến 18 cá nhân bị xem xét, xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, lãnh đạo TTCP cho biết, có 15 người là cán bộ Công an cấp tỉnh, đội hoặc phòng, một cán bộ cấp xã ở Quảng Ngãi, một cán bộ cấp xã ở Khánh Hòa và một công chức ở đơn vị sự nghiệp công tại Thanh Hóa.

Ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp cho biết, trong 11.000 tỷ đồng sai phạm mà TTCP công bố thì chỉ 4.900 tỷ đồng thanh tra hành chính tập trung vào các cuộc của TTCP tiến hành tại Tập đoàn Xăng dầu, Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)… còn lại là từ hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Từ vụ việc ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia vừa bị bắt, các phóng viên đề cập đến việc bổ nhiệm chức danh quản lý đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Ông Ngô Văn Khánh cho biết, về nguyên tắc, theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, dù ở vị trí nào thì đều có quy trình chặt chẽ. Ngành Thanh tra thường xuyên được tham khảo, hỏi ý kiến khi bổ nhiệm cán bộ (xem có khiếu nại, tố cáo, sai phạm gì liên quan đến người được đề bạt không, thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC). Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng phát hiện đầy đủ vi phạm của đối tượng trước khi được bổ nhiệm.

Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm, TTCP sẽ tiếp tục triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều quan tâm, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo và các vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao.

Đáng chú ý, cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ công bố kết luận thanh tra về đầu tư xây dựng cơ bản tại Hà Nội; Tổng Công ty lương thực miền Nam; Bộ Công thương trong quản lý tạm nhập, tái xuất; một số dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2015: Xử lý nhiều cán bộ liên quan đến tham nhũng