Thay thế người đứng đầu có biểu hiện bao che cho buôn lậu

Ngọc Mai| 25/12/2015 10:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thay thế người đứng đầu có biểu hiện bao che cho buôn lậu

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Trong năm 2015, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của nhân dân, của các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội và các Hiệp hội ngành, nghề, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong 11 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 187.000 vụ vi phạm, tăng 6,5% so với năm 2014 (chuyển xử lý hình sự trên 1.100 vụ với gần 1.300 đối tượng); thu nộp ngân sách tiền xử phạt, bán hàng tịch thu và truy thu thuế trên 11.500 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2014.

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe của cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều kế hoạch đã được ban hành nhưng một số Bộ, ngành, địa phương chưa tích cực triển khai thực hiện, vẫn còn tình trạng nể nang, bao che, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, nhất là xử lý trách nhiệm đối với cán bộ công chức có liên quan...

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chuyển biến tích cực hơn nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, với tinh thần kiên quyết phấn đấu tạo được bước tiến rõ rệt hơn nữa trên lĩnh vực này.

Đồng thời tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không để có vùng cấm trong lĩnh vực này. Triển khai và thực hiện ngay Kế hoạch số 218/KH-BCĐ389 ngày 01/12/2015 về Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện thể chế về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hoàn thiện các quy định liên quan về quản lý, kiểm soát chặt chẽ loại hình kinh doanh tạm nhập – tái xuất, phân luồng quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Thay thế người đứng đầu có biểu hiện bao che cho buôn lậu

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Các Bộ, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến thường xuyên về các mặt nguy hại của tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong nhân dân và các cơ quan nhà nước, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức thuộc các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngoài hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, cần bổ sung hình thức tuyên truyền trực quan tại các địa bàn trọng điểm, các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, trụ sở các cơ quan đơn vị chức năng với nội dung phù hợp (pano, áp phích, biển bảng…), đảm bảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức đấu tranh của cả cộng đồng đối với tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nghiệp vụ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, phải tập trung đánh trúng, đánh đúng đầu nậu. Phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng được phát hiện gần đây, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng Chính phủ tích cực kiểm tra đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động thu thập thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các vụ việc nghiêm trọng được dư luận chú ý để tham mưu, đề xuất Trưởng Ban có ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời. 

Trong 11 tháng của năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 187.000 vụ vi phạm, tăng 6,5% so với năm 2014 (chuyển xử lý hình sự trên 1.100 vụ với gần 1.300 đối tượng); thu nộp ngân sách tiền xử phạt, bán hàng tịch thu và truy thu thuế trên 11.500 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2014.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay thế người đứng đầu có biểu hiện bao che cho buôn lậu