Sửa luật nào để xử lý hình sự hành vi sử dụng vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng?

Ngọc Mai| 14/11/2019 19:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc sửa đổi quy định về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng, nên sửa sửa ở luật gốc hay luật chuyên ngành là vấn đề ĐBQH còn tranh luận.

Sáng nay (14/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Trước đó, ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, trong đó không đề cập vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.

Vì vậy, theo quy định hiện hành thì đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ ngày 1/7/2018.

Nếu đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; nếu đã bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành hình phạt còn lại; nếu đã kết án mà chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Việc sửa đổi quy định về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng nên sửa đổi ngay trong Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hay sửa trong Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2017 là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong phiên thảo luận.

Xem xét lại Điều 304 trong Bộ luật Hình sự 2015

Các ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu thực tế, các đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển sử dụng, chiếm đoạt trái pháp các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng đều là loại tội phạm rất nghiêm trọng. Các vũ khí được những đối tượng này sử dụng, như súng bắn đạn hoa cải, súng ổ xoáy, súng bút, súng tự chế... có tính sát thương cao, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, việc xử lý hình sự về các hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chiếm đoạt trái phép các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng là hết sức cần thiết, là chính sách hình sự nhất quán từ trước đến nay ở nước ta.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ sự tán thành cao vì sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để kịp thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội, đó là hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vụ như vũ khí quân dụng. Đồng thời, bảo đảm được tính đồng bộ và tương quan trong hệ thống pháp luật hình sự hiện hành.

Tuy nhiên, điều các ĐBQH băn khoăn là, nên sửa đổi quy định này trong luật chuyên ngành, hay Bộ luật Hình sự năm 2017.

Theo đó, quan điểm thứ nhất cho rằng, vướng mắc do khái niệm vũ khí quân dụng trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã không quy định vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng, thì cần sửa đổi Điều 3 Luật này.

Quan điểm thứ hai cho rằng, tội phạm phải được quy định trong Bộ luật Hình sự nên cần sửa đổi Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2017 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nếu sửa đổi Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến các Điều 18, 19, 20 và 73 của Luật này.

Ủng hộ quan điểm thứ hai, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2017 là điều luật vô cùng quan trọng và mấu chốt, thể hiện rõ quan điểm xử lý về tội phạm liên quan đến vũ khí. Đây là luật buộc tội và là luật gốc về buộc tội, do vậy, chính sách hình sự phải thể hiện rõ trong đạo luật này, còn các đạo luật chuyên ngành khác chỉ mang tính chất điều kiện; và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là luật mang tính chất điều kiện để phòng, chống nên không thể thay thế cho chính sách hình sự.

Sửa luật nào để xử lý hình sự hành vi sử dụng vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng?

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, theo luật hiện hành chỉ có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng mới bị coi là tội phạm. Từ đó, rất nhiều địa phương gửi văn bản lên Hội đồng Thẩm phán xin ý kiến về các vụ án liên quan đến sử dụng súng hoa cải, súng khác bắn chết người, gây thương tích nhưng không xử được vì không phải vũ khí quân dụng.

“Chúng tôi họp nhiều lần với Bộ Công an và Viện KSNDTC nhưng không hướng dẫn được vì luật không quy định. Hiến pháp khẳng định những gì hạn chế quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong luật”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết và nhấn mạnh, về lâu dài cũng phải xem xét lại Điều 304 trong Bộ luật Hình sự 2015.

Sửa luật nào phải thật sự cân nhắc

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực tiễn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm từ trước đến nay cho thấy, đây là loại tội phạm nghiêm trọng, đa phần đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tượng tự vũ khí quân dụng có nhân thân xấu.

Các loại vũ khí đối tượng sử dụng (súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn hoa cải…) có tính sát thương cao, sử dụng với mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải trả tự do, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại cho các đối tượng này sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội; không đảm bảo tính răn đe nghiêm minh của pháp luật.

Từ những phản ánh trên, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, sửa Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là phù hợp, thống nhất với Bộ luật Hình sự.

Phân tích rõ vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh chính sách hình sự không thay đổi trong các Bộ luật về xử lý tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng cũng như vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng.

Với khó khăn hiện nay trong việc xử lý hình sự hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, sửa Điều 304 Bộ luật Hình sự hay Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đều có thể giải quyết được. Tuy nhiên, việc sửa luật nào phải thật sự cân nhắc.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, đặt vấn đề sửa Bộ luật Hình sự hiện nay là tương đối khó khăn vì Bộ luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và có thể dẫn đến ý kiến đặt vấn đề có sửa nhiều điều luật khác hay không.

Trong khi đó, sửa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có nhiều thuận lợi, không làm thay đổi chính sách hình sự. Hơn nữa, với quy trình rút gọn thông qua dự án Luật trong 1 kỳ họp cũng sẽ đáp ứng yêu cầu sớm áp dụng luật để cơ quan tố tụng xử lý vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật nào để xử lý hình sự hành vi sử dụng vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng?