Chiều 2/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019. Có rất nhiều vấn đề “nóng” mà người dân quan tâm được các Bộ, ngành trả lời.
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điểm lại một số sự kiện nổi bật trong tháng qua. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình, trả lời chất vấn. Các ĐBQH đã biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong một năm đầy khó khăn, thể hiện qua việc đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, nhiều mục tiêu cán đích sớm, chúng ta là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các địa phương sớm khắc phục các bất cập, tồn tại mà nhân dân, cử tri, Quốc hội nêu ra.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin về những đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng qua; Những biến động của thị trường, đời sống và biện pháp xử lý của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu lên một số những tồn tại và chỉ đạo những vấn đề còn một số tồn tại cần có giải pháp cụ thể để giải quyết ngay từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2020…
Buổi họp báo Chính phủ.
Sẽ siết chặt hình thức kinh doanh condotel
Liên quan đến việc vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) vừa phát đi thông báo liên quan đến việc thực hiện cam kết lợi nhuận condotel với khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Trong đó, Công ty Thành Đô khẳng định: Từ ngày 1/1/2020, doanh nghiệp buộc phải chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết theo phụ lục 06 của Hợp đồng mua bán (HĐMB)… gây hoang mang dư luận.
Khi đặt câu hỏi về vấn đề này, các phóng viên cho rằng, hiện đang bùng phát loại hình đầu tư kinh doanh condotel (căn hộ du lịch nghỉ dưỡng) và những nguy cơ thiệt hại của nhà đầu tư, các ý kiến đề nghị Chính phủ cho biết đánh giá những nguy cơ rủi có thể xảy ra từ loại hình kinh doanh này cũng như và quản lý như thế nào khi họ chào bán với mức rất cao…
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, việc phát triển loại hình căn hộ du lịch phát triển mạnh vào năm 2015, cao điểm là năm 2016, 2917 nhưng đến 2018 đã giảm mạnh, và thị trường căn hộ nghỉ dưỡng giảm 1/2. Condotel là hình thức kinh doanh phụ thuộc nhu cầu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay loại hình này đang có một số vướng mắc cần tháo gỡ.
Thứ nhất là về hành lang pháp lý, hiện nay chỉ có Luật du lịch có quy định về cơ sở lưu trú du lịch, căn hộ du lịch nhà ở, nhưng Luật Nhà ở và Luật đất đai chưa có quy định về vấn đề này. Thứ hai là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu loại hình này chưa có, chưa triển khai được. Thứ 3 là quy định về vận hành, quản lý loai hình này chưa có. Trên thị trường xuất hiện cam kết của nhà đầu tư đầu tiên lẫn nhà đầu tư thứ cấp đối với khách hàng liên quan đến việc chi trả lợi nhuận.
Trước tình hình này, Chính phủ, các Bộ ngành cũng đã có những động thái xử lý. Năm 2017, Bộ Xây dựng cũng đã có những báo cáo về sự phát triển quá nóng của thị trường này. Năm 2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi 63 tỉnh thành, đặc biệt những tỉnh có sự phát triển của condotel chỉ đạo về vấn đề này, từ đó giảm hẳn sự bùng phát này.
Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có nghiên cứu ban hành, sửa đổi quy chuẩn liên quan đến condotel cũng như các quy chế vận hành. Giao Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch ban hành quy chế quản lý, kinh doanh loại hình này. Giao Bộ TN&MT ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và cấp quyền sở hữu đối với loại hình này. Tất cả những yêu cầu này phải xong trong năm 2019…
Theo đại diện Bộ Xây dựng, về thị trường, cam kết lợi giữa chủ đầu tư với nhà đầu tư thứ cấp là quan hệ thị trường, quan hệ dân sự… Nhưng đứng trước tình hình này, là cơ quan Nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị một số giải pháp: minh bạch thông tin, thông qua các Hiệp hội bất động sản để đưa ra những cảnh báo cho nhà đầu tư nắm được và Ngân hàng dự kiến, chốt chặt các nguồn đầu tư tín dụng, trong đó có condotel,…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo.
Hà Nội phủ nhận việc HĐND TP không đồng ý bù giá nước
Liên quan đến Nhà máy nước Sông Đuống, các ý kiến cho rằng, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội không đồng ý dùng ngân sách cho việc bù giá mua nước sạch sông Đuống. Nhưng trước đó, trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố không bù giá cho Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Nhà máy nước Sông Đuống là một nhà máy được thực hiện đúng theo quy hoạch và mạng lưới cấp nước sạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt. Đây là nhà máy nước sạch có quy mô liên vùng nên việc đầu tư nhà máy hoàn toàn đúng quy định.
Về thông tin HĐND có văn bản bác ý kiến của UBND thành phố về dự án nước sạch Sông Đuống, ông Hùng cho hay, TP Hà Nội đang thực hiện cấp nước cho các cơ quan, người dân, tổ chức, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 38, ngày 19/9/2013.
Về giá nước, từ năm 2013 đến nay, TP. Hà Nội đã giữ giá nước ổn định cho người dân và các cơ sở sản xuất. Theo lộ trình sẽ phải tăng giá nước.
Về quản lý nước, trong Nghị định 117 của Thủ tướng Chính phủ cho phép ngân sách bù nếu giá tiêu thụ cao hơn giá hiện hành, trên nguyên tắc đây là quy trình thủ tục do tỉnh/thành phố ban hành đảm bảo phù hợp với địa phương và không trái quy định hiện hành về quản lý ngân sách Nhà nước. TP. Hà Nội sau khi xem xét các yếu tố giá tiêu thụ và giá bán lẻ, UBND TP Hà Nội đã trao đổi với HĐND thành phố bằng văn bản để xem xét giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền về xử lý khi có chênh lệch giữa giá nước bán lẻ và giá nước tiêu thụ.
Nhập khẩu thịt để bình ổn thị trường
Trước dự báo Việt Nam sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn,những giải pháp đưa ra Chính phủ như thế nào đã được các phóng viên đề cập đến.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho cho biết, trong cuộc họp gần đây với Chính phủ, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn khẳng định chỉ bán thịt lợn với giá 66.000 đến 70.000 đồng mỗi kg. Dự kiến thời gian tới Việt Nam thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo nhập thịt lợn từ đối tác, song phải đảm bảo cân đối lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Đến nay đã có 14% tỉnh và hơn 85% xã hết dịch qua 30 ngày, đây là điều kiện tốt để tái đàn lợn thời gian tới. Tổng đàn lợn hiện còn 25 triệu con, trong đó lợn nái 2,7 triệu con, lợn cụ kỵ 109.000 con, đảm bảo tái đàn bằng giống có chất lượng cao.
Ngoài ra, so với năm 2018, năm nay tổng sản lượng thực phẩm tăng 390.000 tấn gồm thịt gia cầm, thịt trâu bò, dê cừu..., một phần phục vụ tăng trưởng, phần khác bù đắp thiếu hụt thịt lợn. Hiện các doanh nghiệp trong nước cũng cam kết bán ra với mức giá ổn định.