Hôm nay (29/5), Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận ở Tổ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe:
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc phân bổ dự phòng chung vốn NSTW trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung trên.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung Công ước trên.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về 02 nội dung của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Trước đó, ngày 28/5 là ngày làm việc thứ 7 của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.
Tại phiên họp này, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Trong quá trình thảo luận đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến và 06 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tán thành với việc đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể sau: về phạm vi sửa đổi của Luật; phạm vi, đối tượng áp dụng luật; việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quyết định chủ trương đầu tư và quản lý nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; về quản lý nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; về kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn; thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn; các hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư công...
Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo báo cáo giải trình, làm rõ thêm về một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tuy nhiên, qua thảo luận đã có 03 nội dung còn nhiều ý kiến phát biểu khác nhau, đó là: tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn; thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quốc hội giao cho Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách tổ chức xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau này thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét và thông qua.
Buổi chiều, từ 14 giờ đến 15 giờ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Tiếp đó, từ 15 giờ 00 cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Đối với dự án Luật Lực lượng dự bị động viên: Trong quá trình thảo luận, đa số đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, đồng thời tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung như: về tính khả thi, tên gọi, bố cục của dự án Luật; nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; các hành vi bị nghiêm cấm; đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên; thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ và trong chiến tranh; chế độ, chính sách và chế độ trợ cấp đối với quân nhân dự bị và gia đình quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.v.v
Đối với dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam: Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam thời gian qua; đồng thời tạo hành lang pháp lý quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch và bảo đảm vấn đề quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế về hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như: tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bố cục, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân; cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành; điều kiện xuất cảnh, điều kiện nhập cảnh các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quy định về cổng kiểm soát tự động, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam...