Nghị viện có vai trò quan trọng thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19

Bình Nguyên| 09/09/2020 14:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục chương trình Đại hội đồng AIPA 41, sáng nay 9/9, Ủy ban Kinh tế AIPA họp, thảo luận và xem xét và Thông qua Nghị quyết về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID – 19”.

Tới dự và phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh vấn đề hợp tác kinh tế trong AIPA và khẳng định đây là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác của khu vực. Cộng đồng Kinh tế ASEAN có mục tiêu tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư kinh doanh và tạo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, từ khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 đến nay, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hy vọng rằng, trong thời gian tới, việc hội nhập này tiếp tục được phát huy sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu khả quan hơn.

Nghị viện có vai trò quan trọng thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (giữa) tại phiên họp sáng nay

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, các nước thành viên AIPA đã tán thành quyết định chọn chủ đề về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID – 19”. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là chủ đề mang tính thiết thực, có tính thời sự cấp bách đối với mọi quốc gia thành viên AIPA và khu vực chúng ta đã bước đầu thực hiện khá tốt. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn các nước thành viên sớm vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống xã hội và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Với tinh thần đó, tôi chúc Ủy ban Kinh tế AIPA sẽ gợi mở và đưa ra được các khuyến nghị để các nước AIPA chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp và đề xuất giải pháp nhằm gắn kết và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Các kết quả thảo luận tích cực với nhiều sáng kiến trên tinh thần xây dựng và hợp tác sẽ góp phần đem lại thành công tốt đẹp cho Đại hội đồng AIPA 41”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Phần thảo luận của đoàn các nước thành viên tập trung vào nội dung về các biện pháp riêng để kiểm soát đại dịch COVID-19 cũng như ứng phó với các tác động kinh tế của dịch bệnh. Các ý kiến nhận định, đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ.

Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã gây cản trở rất lớn đến kinh tế các nước ASEAN, hoạt động thương mại nội khối và ngoại khối. Do đó, liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế của các nước thành viên ASEAN và việc triển khai tốt các hoạt động kinh tế số sẽ có tầm quan trọng sâu sắc, đóng vai trò quan trọng trong tăng cường liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự sẵn sàng của ASEAN để ứng phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn -2,7% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 5,2% vào năm 2021, đặc biệt do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ của khu vực này với Trung Quốc.

Quan ngại sâu sắc về những tổn thất to lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra ở các quốc gia ASEAN, đại diện đoàn Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội mong muốn cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện một chuỗi giải pháp mang tính đột phá khả thi, đó là:

Thực hiện thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch và sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác để kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19; củng cố sự an tâm trong di chuyển, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quy trình y tế hỗ trợ di chuyển xuyên biên giới của công dân ASEAN không bị gián đoạn, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và y tế quốc tế cũng như các cam kết theo các Hiệp định có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN và đề xuất hướng dẫn tham chiếu cho tất cả các nước thành viên ASEAN mà không làm tổn hại đến những cam kết theo các thỏa thuận có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

 Tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020; tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát Nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

Cùng với đó là tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số; chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để xử lý các thách thức mà các nền tảng thương mại điện tử đang phải đối mặt; tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong dịch bệnh COVID-19 và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số;  xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông và sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các tiểu vùng khác của ASEAN.

Trên cơ sở các sáng kiến được ghi nhận tại diễn đàn các thành viên thống nhất quan điểm: Đoàn kết, đồng lòng để ban hành một Nghị quyết về kinh tế với vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị viện có vai trò quan trọng thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19