Mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật ban hành quyết định hành chính

Quang Vũ/TTX| 25/09/2015 17:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật ban hành quyết định hành chính.

Hoạt động ban hành quyết định hành chính là một trong những phương thức quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước, là hoạt động cơ bản của nền hành chính, biểu hiện của thực thi quyền hành pháp trong nhà nước pháp quyền, do đó, đòi hỏi phải tuân thủ đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn quản lý nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể.

Mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật ban hành quyết định hành chính

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo nhận định chung của cơ quan soạn thảo, hoạt động ban hành quyết định hành chính chưa được điều chỉnh đầy đủ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc bởi thiếu vắng một văn bản ở tầm luật nên chưa thể đáp ứng đầy đủ, toàn diện yêu cầu của thực tiễn.

Thực tế cho thấy, số lượng vụ việc khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hàng năm không nhỏ cũng phần nào phản ánh chất lượng của các quyết định hành chính là chưa đảm bảo; một số vụ việc trở thành điểm nóng, một số vụ việc trở nên phức tạp đã ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định chính trị-xã hội của một địa phương, một vùng, thậm chí trên toàn quốc.

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định về cơ chế “kiểm soát” quyền lực giữa các cơ quan nhà nước (Điều 2 Hiến pháp). Sự đề cao nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước đặt ra yêu cầu phải ban hành các đạo luật để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, đồng thời tạo cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó có quyền hạn ban hành các văn bản pháp luật, góp phần thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là những lý do của việc xây dựng và ban hành Luật ban hành quyết định hành chính.

Các ý kiến tại buổi làm việc tán thành với việc xây dựng và ban hành dự án luật này. Tuy nhiên, đề nghị quá trình soạn thảo dự án luật cần bám sát nhiệm vụ thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về "tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ," về cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm (nhất là trách nhiệm giải trình) của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc ban hành quyết định hành chính.

Có ý kiến lưu ý cơ quan soạn thảo thể chế hóa quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” theo hướng quy định rõ các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước; tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quyết định hành chính và cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý quyết định hành chính, nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, khả thi của quyết định hành chính, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quy trình ban hành quyết định hành chính, từ đó nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính.

Dự án luật cũng cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về ban hành quyết định hành chính, xác định hợp lý mối quan hệ giữa Luật này và các luật liên quan khi áp dụng pháp luật về ban hành quyết định hành chính.

Liên quan đến quy định tại khoản 2, Điều 1 của dự thảo Luật về việc không áp dụng đối với việc ban hành quyết định hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vụ việc cạnh tranh và trong hoạt động tố tụng, theo quan điểm của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quy định như vậy là chưa bảo đảm sự thống nhất, chưa bảo đảm nguyên tắc mọi quyết định hành chính đều phải được ban hành đúng trình tự, thủ tục được quy định tại luật này. Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội đề nghị nghiên cứu để mở rộng phạm vi điều chỉnh, áp dụng đối với việc ban hành các quyết định hành chính nêu trên.

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận cũng đồng tình với quan điểm mở rộng quy định hơn dự thảo để đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần rà soát và chuẩn bị lại dự án luật để trình lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật ban hành quyết định hành chính