"Lấy phiếu tín nhiệm không phải để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay"

Trọng Bằng| 25/11/2018 10:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung trên tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn ra chiều 24/11.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu với cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 24/11

Như tin đã đưa, ngày 24/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Chiều 24/11, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, nhiều cử tri đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội có nhiều đổi mới, chất lượng cao hơn các kỳ họp trước. Câu hỏi của các đại biểu đã đi thẳng vào các vấn đề cử tri quan tâm. Đây cũng là dịp để cử tri thấy các Bộ trưởng, trưởng ngành có nắm chắc được vấn đề mà mình đang trực tiếp tham mưu hoặc giải quyết hay không.

Ghi nhận ý kiến tâm huyết của các cử tri Hà Nội về hoạt động đổi mới của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, qua các ý kiến của cử tri cho thấy sự thống nhất cao trong đánh giá thành công của kỳ họp; một kỳ họp ngắn về thời gian nhưng hiệu quả cao về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tại kỳ họp, Quốc hội dành 3 ngày chất vấn, hỏi nhanh, đáp gọn thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ. 135 người chất vấn, tranh luận tại chỗ 82 lượt, thể hiện không khí dân chủ rất tốt. “Điều quan trọng là dân chủ nhưng có kỷ cương, đúng hướng, đúng đường lối chủ trương chỉ đạo của Đảng, của Trung ương Đảng, tiếp thu ý kiến trí tuệ của nhân dân, của cử tri, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, cử tri Dương Quang Hạt (phường Lý Thái Tổ) đánh giá kết quả lấy phiếu sát với thực tế. Có những người có số phiếu cao, điều đó phản ánh đúng thực chất khả năng cũng như dư luận dành cho họ; còn những người có nhiều tín nhiệm thấp cho thấy lĩnh vực họ phụ trách còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh trong thời gian tới.

Cử tri Hạt mong những đồng chí được tín nhiệm cao tiếp tục phát huy để nhận được nhiều tín nhiệm cao hơn nữa; đồng chí nào được tín nhiệm thấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, có chương trình hành động, quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, việc này đã được làm ở khóa trước. Sắp tới còn lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

“Lấy phiếu tín nhiệm không phải cốt là để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay. Chỉ căn cứ vào chỗ đó mà thay đổi cán bộ thì đã chín chưa, chuẩn xác chưa? Ở đây có tính chất răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính. Đương nhiên, nếu ai thấp dưới 50% là phải xử lý vì đã quy định. Rất may, vừa rồi chưa xảy ra”, Tổng  Bí thư, Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh điều cốt lõi nhất là thấy sai thì phải sửa, có khuyết điểm thì phải rút kinh nghiệm. Kể cả đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng như vậy, “xử lý một vài người để cứu muôn người”, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe.

Hết sức cẩn trọng, không để bất bình đẳng ngay trong giáo dục

Tại buổi tiếp xúc, cử tri hoan nghênh và ủng hộ Chính phủ có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội có bước đột phá trong năm 2019 đưa đất nước phát triển toàn diện, đồng bộ, khẳng định vị thế Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cử tri đề nghị, sau khi phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Quốc hội cần tăng cường thông tin tuyên truyền để dân hiểu rõ việc thực hiện Hiệp định này có thuận lợi, khó khăn gì. Gần đây, kinh tế-xã hội phát triển tốt, nhưng các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc khiến cử tri băn khoăn lo lắng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhất trí, sắp tới sẽ phải tuyên truyền mạnh, đồng thời triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP. Đây là hiệp định tự do thế hệ mới, chất lượng cao, đòi hỏi nhiều mặt, khá toàn diện, mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay, không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn liên quan đến xã hội, quốc phòng an ninh, giữ gìn ổn định chính trị. Tổ chức Công đoàn Việt Nam là hệ thống tổ chức do Đảng lập ra. Công đoàn các nước chỉ đơn thuần là tổ chức của người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Công đoàn của ta còn phải đưa đường lối chủ trương của Đảng vào cuộc sống, cho nên phải sửa Luật...

Cử tri nêu tình trạng một số dự án chậm tiến độ, đội vốn, kéo dài nhiều năm chưa triển khai được. Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, bộc lộ nhiều khiếm khuyết, có nơi có lúc mắc bệnh thành tích, triển khai ồ ạt, cần tăng cường kiểm tra giám sát.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhất trí với ý kiến cử tri, cần tăng cường giám sát chuyên đề về các vấn đề kinh tế-xã hội, tăng cường kiểm tra của các cấp, “không kiểm tra coi như không lãnh đạo, không giám sát thì không ngăn ngừa được tiêu cực." Giám sát có nhiều kênh: Nhân dân giám sát, Quốc hội giám sát, Đảng giám sát, rồi thanh tra, chất vấn cũng là một hình thức giám sát… tuy nhiên phải có chương trình kế hoạch tổng thể, đồng bộ.

Nhiều cử tri trăn trở việc đổi mới giáo dục đào tạo. Chương trình sách giáo khoa phải được xây dựng đồng bộ từ mầm non đến trên đại học, bảo đảm một bộ sách giáo khoa phải dùng được nhiều năm. Đối với trẻ mầm non, học mà chơi, chơi mà học. Học phải đi đôi với hành, cần sớm phân tầng lao động để chuyển hướng đào tạo dạy nghề, chỉ chọn lựa khoảng 30-35% học sinh sau khi học hết Trung học phổ thông tiếp tục được đào tạo chuyên sâu. Cùng với dạy chữ, cần chú trọng dạy làm người.

Cử tri cho rằng hiện các cháu không thích học môn Đạo đức, môn Lịch sử, vì nội dung môn học chưa hấp dẫn. Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được đề cập từ lâu, nhưng vẫn gây nhiều bức xúc, chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề biên chế ngành giáo dục hiện còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, cần giải quyết thấu đáo.

Về đổi mới giáo dục đào tạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ kỳ nào cử tri cũng đề cập, Quốc hội đã nhiều lần bàn, Chính phủ bao phen cải cách giáo dục, nhưng vẫn là vấn đề còn những chỗ nhân dân chưa hài lòng, liên quan mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp, thế hệ, bởi đây là vấn đề trồng người, đào tạo thế hệ cho tương lai. Vấn đề đặt ra là là phải dạy thế nào, cách dạy ra sao, xây dựng nội dung chương trình sách giáo khoa ra làm sao..., phải hết sức cẩn trọng, không để bất bình đẳng ngay trong giáo dục.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Lấy phiếu tín nhiệm không phải để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay"