Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Tán thành quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án

Quỳnh Hoa| 26/10/2015 18:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).

Cho ý kiến về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ, nhiều ý kiến cho rằng để bảo đảm cho các bên đương sự thực hiện được nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự thì cần quy định các bên đương sự có quyền được biết các tài liệu, chứng cứ của bên kia, làm cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thể hiện quan điểm tán thành phương án chỉnh lý tại khoản 9 Điều 70, theo đó đương sự “có nghĩa vụ sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ giao nộp cho Tòa án để Tòa án gửi cho các đương sự khác”. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) đề nghị rà soát để bảo đảm các điều khoản khác quy định thống nhất.

Đại biểu phân tích: khoản 2 Điều 96 vẫn quy định nghĩa vụ của đương sự “khi giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Toà án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác có liên quan”.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Tán thành quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Hồ Trọng Ngũ phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Như vậy, theo Điều này thì đương sự lại phải trực tiếp sao gửi chứ không phải giao nộp cho Tòa án để Tòa án gửi như quy định tại khoản 9 Điều 70. Đại biểu cho rằng, dự thảo Bộ luật cần có quy định để bảo đảm tính xác thực của tài liệu, chứng cứ được sao gửi, vì đây là cơ sở để các bên đương sự thực hiện tranh tụng tại Tòa, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Do đó, đại biểu Thanh Tùng đề nghị bổ sung quy định tài liệu, chứng cứ sao chụp phải được chứng thực hoặc giao trách nhiệm cho Tòa án kiểm tra, bảo đảm tính xác thực của tài liệu, chứng cứ được sao chụp trước khi gửi cho các đương sự khác.

Khoản 4 Điều 96 và khoản 3 Điều 248 quy định đương sự có quyền bổ sung chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm, đại biểu đề nghị “làm rõ trong trường hợp này có phải tạm ngừng phiên tòa để các đương sự khác có liên quan có thời gian tiếp cận, nghiên cứu chứng cứ mới được bổ sung hay không, vì nếu không thì không bảo đảm quyền “được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình” quy định tại khoản 8 Điều 70 của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự”.

Xung quanh thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm (từ Điều 343 đến Điều 347), nhiều ý kiến tán thành với quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Tán thành với quy định này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nhấn mạnh, dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự lần này đã ghi nhận một nguyên tắc được đa số đại biểu tán thành đó là nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Nguyên tắc này không chỉ trong phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm mà cả trong phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì vậy việc mở rộng thẩm quyền cho Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, là phù hợp.

Cùng quan điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ thời gian qua, việc thực hiện quy định này đã gặp khó khăn, vướng mắc. Vì thực tiễn có những vụ việc mà các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, nhưng Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vẫn phải hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án để giao về cho Tòa án cấp dưới xét xử lại, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án không cần thiết, không bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ về điều kiện để Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để tránh việc lạm dụng.

Thảo luận về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án (từ Điều 415 đến Điều 418) đa số ý kiến tán thành với quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể những loại hòa giải nào thì được Tòa án công nhận và quy định chi tiết trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của quyết định công nhận kết quả hòa giải.

Đánh giá thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án rất quan trọng và cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế, nhằm khắc phục tình trạng sau khi các bên đã hòa giải theo quy định pháp luật nhưng không có cơ quan nào tổ chức thi hành kết quả hòa giải đó, tuy nhiên có ý kiến đề nghị dự thảo Bộ luật cần quy định theo hướng, trước khi công nhận kết quả hòa giải, Tòa án phải xem xét, thẩm định lại toàn bộ nội dung hòa giải đó, đối chiếu với quy định pháp luật, lẽ công bằng, đạo đức xã hội; đồng thời ràng buộc trách nhiệm pháp lý của Thẩm phán khi ký quyết định.

Giải trình vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết quy định việc Tòa án thụ lý giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, bảo đảm cho các bên thực hiện đúng ý chí, quyền dân sự của mình.

Tòa án chỉ xem xét công nhận kết quả hòa giải các vụ việc ngoài Tòa án giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền, tổ chức có nhiệm vụ thực hiện theo quy định của pháp luật tiến hành hòa giải (như kết quả hòa giải theo quy định của Luật hòa giải cơ sở, Luật thương mại, Bộ luật lao động, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...).

Nhiều vấn đề về: án lệ trong tố tụng dân sự; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự; thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự đã được thảo luận, thống nhất quan điểm tại phiên thảo luận chiều nay. Đây là lần thảo luận cuối cùng, làm rõ những vấn đề có có quan điểm khác nhau trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Theo chương trình, ngày mai, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Tán thành quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án