Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí thực sự là công cụ sắc bén của Đảng, là nơi phản ánh ý chí nguyện vọng của nhân dân

Mai Thoa| 09/08/2015 15:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 9/8, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã họp phiên chính thức sau 2 ngày họp nội bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và chỉ đạo Đại hội.

Tới dự còn có các đồng chí: Tô Huy Rứa - Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đinh Thế Huynh - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Tham dự Đại hội có 501 đại biểu chính thức, trong đó có 389 đại biểu nam và 112 đại biểu nữ. Ngoài 49 đại biểu đương nhiên là Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ IX, 452 đại biểu được bầu từ các cấp Hội. Đại biểu cao tuổi nhất là nhà báo Trần Xuân Thuyết, Chi hội Tạp chí "Cây thuốc quý", SN 1937. Đại biểu ít tuổi nhất là nhà báo Đỗ Thị Phương Lan, phóng viên Báo Công Thương, SN 1986.

Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí thực sự là công cụ sắc bén của Đảng, là nơi phản ánh ý chí nguyện vọng của nhân dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội.

Chương trình hôm nay, hội nghị đã báo cáo kết quả phiên họp nội bộ ngày 7 và 8/8 và Báo cáo tổng hợp tham luận của các đại biểu; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành khóa IX trình Đại hội X.

Phát biểu khai mạc, Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam (Nhiệm kỳ 2015-2020) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 7 đến 9/8/2015. Đại hội lần này được tổ chức trong không khí cả nước hướng tới Đại hội XII của Đảng, sẽ nghiêm túc đánh giá hoạt động của Hội trong 5 năm qua, đồng thời biểu dương những nỗ lực, thành tựu và đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, của Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Đại hội cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội; xác định phương hướng, nhiệm vụ cho khóa tới (nhiệm kỳ 2015-2020). Đại hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội, bầu Ban chấp hành Hội khóa X để lãnh đạo thực hiện Nghị quyết, nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn cách mạng mới.

Tại hội nghị, Hội Nhà báo Việt Nam đã trình Đại hội các văn kiện: “Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn; xây dựng tổ chức Hội, đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới”; dự thảo sửa đổi, bổ sung “Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam”; Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX; Báo cáo công tác của Hội và một số văn bản khác.

Ban Tổ chức cũng đã tập hợp được trên 30 tham luận về rất nhiều vấn đề được cộng đồng quan tâm, như đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, vấn đề bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên trong tác nghiệp, ảnh hưởng của mạng xã hội tới hoạt động báo chí...

Báo cáo chính trị của Ban chấp hành khóa IX trình Đại hội X nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, cổ vũ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, báo chí và đội ngũ người làm báo nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan  báo chí tập trung tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Báo chí tích cực tuyên truyền quá trình sửa đổi, xây dựng Hiến  pháp 2013 và nhiều dự Luật quan trọng khác.

5 năm qua, báo chí cả nước nói chung và Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm báo chí cách mạng, tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam đã trở thành tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp vững mạnh của những người làm báo cả nước, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng thực sự là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân...

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, báo chí cần quan tâm hơn nữa phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Trong những năm tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp căn bản để tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thông tin báo chí.

Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí thực sự là công cụ sắc bén của Đảng, là nơi phản ánh ý chí nguyện vọng của nhân dân

 Toàn cảnh Đại hội. 

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020) gồm 57 thành viên; Bầu Ban thường vụ gồm 11 Ủy viên. Nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX, tái trúng cử chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X.

Đại hội cũng đã thông qua nghị quyết, nêu quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chính quy, hiện đại, nhân văn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của báo chí trong thời gian qua. 90 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo đã đồng hành cùng sự đấu tranh cách mạng của Đảng, dân tộc ta vì Chủ nghĩa xã hội. Qua các thời kỳ, báo chí là công cụ quan trọng trên mặt trận tư tưởng. Trong thời kỳ đổi mới gần 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi những đổi mới của Đảng. Sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, to lớn.

5 năm gần đây, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã đưa nước ta vượt qua thời kỳ khó khăn, đất nước tiếp tục ổn định và phát triển.

Toàn cầu hóa là cơ hội và thách thức lớn đối với hoạt động báo chí nói chung và công tác quản lý báo chí nói riêng. Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đối với hoạt động quản lý báo chí nói chung và đối với Hội Nhà báo nói riêng. Đến nay báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng về mọi mặt, diện mạo chất lượng các ấn phẩm, chương trình phát thanh truyền hình đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, văn hóa của báo chí ngày càng được cải thiện, đội ngũ người làm báo tăng nhanh, mặt bằng trình độ được nâng cao,...

Tuy nhiên, báo chí cũng còn có những hạn chế nhất định, còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, tôn chỉ mục đích, còn để lọt thông tin thiếu trung thực, chưa chính xác, giật gân, câu khách; chưa làm tốt công tác phát hiện biểu dương những gương điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới thông tin, hình thức tuyên truyền, chưa hấp dẫn; còn có cán bộ phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Những sai phạm trong hoạt động báo chí là do chưa nghiêm, chưa có những chế tài đủ mạnh để răn đe; hoạt động của Hội Nhà báo ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đánh giá cao vai trò của baó chí, tạo điều kiện để báo chí phát triển. Mong muốn giới báo chí và Hội Nhà báo nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Do vậy các cơ quan báo chí nói chung, Hội Nhà báo nói riêng cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như:

Quán triệt sâu sắc quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sỹ cách mạng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí; Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh chính trị, thông tin thiết thực. Kiên quyết loại bỏ những tin bài xấu làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa, tiến bộ; là nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội; Các cấp hội nhà báo cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ đoàn kết, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện những quy định đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp những người làm báo, chuyên môn nghiệp vụ cao, sáng tạo những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng, phong phú hấp dẫn;

Cần đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo báo chí, các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí cần làm tốt công tác xây dựng và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc phát triển phải đi đôi với quản lý và quản lý phải theo kịp sự phát triển, tạo mọi điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển có hiệu quả.

Đặc biệt, trong những ngày này, toàn Đảng ta tiến hành Đại hội các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Để góp phần thành công của Đại hội, Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan báo chí cần nắm vững yêu cầu, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đại hội để có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng Đại hội này. Tập trung cổ vũ các phong trào thi đua thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng;...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí thực sự là công cụ sắc bén của Đảng, là nơi phản ánh ý chí nguyện vọng của nhân dân