Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama: Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng để hướng tới tương lai

Hồng Minh| 20/05/2016 07:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Đây được đánh giá là sự kiện lớn, mang tầm quốc tế, vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của quan hệ song phương Việt-Mỹ.

Với chuyến thăm lịch sử này, Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hữu nghị, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa, đưa quan hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả…

Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 8-1995, hai nước khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội. Đúng 5 năm sau, ngày 13/7/2000, hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA). Đến tháng 7-2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện.

Trải qua hơn 20 năm, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những bước phát triển tích cực, theo cả chiều rộng và chiều sâu, ngày càng thực chất hơn. Hai nước đã cùng nhau xây dựng một mối quan hệ đối tác toàn diện, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Về quan hệ Chính trị - Ngoại giao, kể từ sau khi hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực, cả về song phương và đa phương. Phía Hoa Kỳ cử nhiều đoàn thăm Việt Nam, nổi bật là: (tháng 6/2015), Ngoại trưởng John Kerry (tháng 8/2015), Cựu Tổng thống Bill Clinton (tháng 7/2014 và tháng 7/2015).

Về phía Việt Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng thực hiện các chuyến thăm và làm việc tới Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ tháng 7/2015 và ký “Tuyên bố tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 9/2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York tháng 9/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands tháng 2/2016 và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Washington tháng 4/2016.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama: Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng để hướng tới tương lai

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ tháng 7/2015

 Qua các chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc, đối thoại, hai bên đều khẳng định mong muốn xây dựng “quan hệ đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”. Hai nước đã ký kết nhiều văn bản, hiệp định, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ hợp tác.

Cùng với việc phát triển quan hệ song phương, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã hợp tác ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Liên hợp quốc. Washington xác định Việt Nam là một trụ cột trong hợp tác của Hoa Kỳ với ASEAN, coi ASEAN và Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chính sách tái cân bằng, duy trì an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Bên cạnh đó, hợp tác Quốc phòng - An ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được xác lập ngay từ khi bình thường hóa năm 1995. Từ năm 2010, hai bên đã tiến hành đối thoại về chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng. Năm 2011, hai bên ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Việt Nam tiếp tục tham gia chương trình hợp tác quân y, duy trì đón tàu hải quân của Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam hàng năm, cho phép Hoa Kỳ thực hiện một số chương trình hỗ trợ nhân đạo tại các địa phương. Hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn…

Tháng 10/2014, Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ và tháng 9/2015, hai nước đã tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 6 tại Washington. Với vấn đề phức tạp trên biển Đông, Hoa Kỳ ủng hộ chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.

 Hợp tác Kinh tế hai nước cũng đã đạt đến tầm cao mới. Năm 1995, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 450 triệu USD, nhưng đến năm 2000, con số này đã tăng lên 18,3 tỷ USD. Thời điểm có tính đột phá là năm 2001, khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) có hiệu lực (từ ngày 10/12/2001), quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã gia tăng nhanh chóng và thực sự trở thành điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước với tổng giá trị thương mại song phương đạt 21,8 tỷ USD.  Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng liên tục ở mức 20%. Năm 2014, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 36 tỷ USD. Năm 2015, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 45 tỷ USD, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Hai bên đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký hiệp định vào tháng 2/2016, hiện đang phối hợp chặt chẽ để Quốc hội hai nước sớm thông qua.

Về vấn đề dân chủ, nhân quyền mặc dù là vấn đề hai bên còn khác biệt. Tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục duy trì đối thoại thẳng thắn hàng năm về nhân quyền, gần đây nhất Đối thoại Nhân quyền lần thứ 19 đã diễn ra tại Việt Nam tháng 5/2014 và được Hoa Kỳ đánh giá là thành công. Hai bên cũng đã tiến hành Đối thoại Nhân quyền vòng 20 tại Washington ngày 25 và 26/4/2016.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 19/5 công bố chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 23-25/5 của Tổng thống Barack Obama, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink cho biết: Tổng thống Obama sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Toàn diện trong một loạt lĩnh vực như hợp tác kinh tế - thương mại và các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm.

Như vậy có thể nói sự phát triển liên tục và sâu rộng quan hệ song phương trong hơn 20 năm qua đã cho thấy nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam - Hoa Kỳ với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Với ý nghĩa đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hữu nghị, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa, đưa quan hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả, vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc, đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama: Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng để hướng tới tương lai