Chủ tịch Quốc hội: "Ở đặc khu, chủ quyền, luật pháp của chúng ta"

Ngọc Mai| 20/06/2018 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở đặc khu, chủ quyền, luật pháp của chúng ta. Chúng ta làm chủ và hoàn toàn điều chỉnh được chứ không phải làm đặc khu để không có vai trò gì trong quản lý, lãnh đạo”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định với cử tri.

Chủ tịch Quốc hội:

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các cử tri.

Ngày 19/6, tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri, nhân dân một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ và lực lượng vũ trang Quân khu 9, sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của cử tri thành phố Cần Thơ. 

Đối với 2 dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu), và Luật An ninh mạng được cử tri đặc biệt quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi và làm rõ thêm thông tin.

Luật An ninh mạng không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi của cử tri về Luật An ninh mạng mới được thông qua, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại câu nói của một giáo sư quốc tế cho rằng: “không gian mạng cũng chính là lĩnh vực chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào”.

Hơn nữa, đây còn là "không gian ảo" - nơi diễn ra những hành động thù địch không kém phần nguy hiểm so với các hành động thật ngoài đời. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức…

Thực tế nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra sự cần thiết và đã cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật. Đã có khoảng 80 quốc gia, tổ chức quốc tế xây dựng cơ sở pháp lý về an ninh mạng để phòng và chống những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia từ không gian mạng, đồng thời thành lập lực lượng chuyên trách về an ninh mạng; trong đó có 23 quốc gia đã ban hành văn bản luật về an ninh mạng.

Chủ tịch Quốc hội phân tích thời gian qua nước ta đã phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó góp phần to lớn, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh…

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, tồn tại về an ninh mạng cần khắc phục. Do mức độ an ninh mạng thấp đã dẫn đến một số vụ việc gây hậu quả đáng tiếc trước đây trong ngành hàng không, ngân hàng, cá nhân bị vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm, bị lừa đảo…

Trong bối cảnh này, việc xây dựng Luật An ninh mạng là cần thiết để bảo vệ trước hết là những khách thể trong phạm vi điều chỉnh của luật, gồm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Luật An ninh mạng theo đó sẽ xử lý tất cả những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến trên không gian mạng không bị điều chỉnh bởi luật này. “Luật ra là để điều chỉnh những hành vi vi phạm không gian mạng chứ không phải để ngăn cấm quyền tự do ngôn luận của công dân”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật An ninh mạng quy định về cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải lưu trữ tại Việt Nam thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam là khả thi, phù hợp với pháp luật trong nước, thông lệ quốc tế, không trái với các điều ước mà Việt Nam tham gia, cũng không cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Bởi theo thống kê, đã có 18 quốc gia trên thế giới gồm: Mỹ, Canada, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Hi Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước.

Như vậy là thông lệ quốc tế đã có, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên áp dụng quy định này.

Cùng với đó, qua rà soát các văn bản cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS); đồng thời, rà soát Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)..., các văn kiện này đều có quy định về ngoại lệ an ninh, cho phép tôn trọng và bảo vệ an ninh quốc gia ở mức cao nhất. 18 nước nêu trên đều đã tham gia WTO.

Như vậy, với Luật An ninh mạng, Việt Nam không vi phạm các cam kết quốc tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với hơn 86% đại biểu Quốc hội tán thành, Luật An ninh mạng được thông qua quy định về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý trực tiếp hành động vi phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng nên có những ý kiến băn khoăn, lo lắng là điều dễ hiểu.

Còn “vấn đề luật an ninh mạng có gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp và đẻ ra giấy phép con hay không?” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vấn đề này đã được ra soát rất kỹ để bảo đảm không gây bất cứ trở ngại trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Bảo đảm sẽ không có một ngăn cản nào cản trở lưu thông dòng chảy dữ liệu thông tin ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp khởi nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân về Luật đặc khu

Liên quan đến dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong các văn kiện của 3 kỳ Đại hội liên tiếp của Đảng (Đại hội X, XI và XII), đều có cho chủ trương sớm nghiên cứu xây dựng, hình thành những đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Hiến pháp 2013 cũng quy định, đồng thời thể chế hóa, cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc ban hành Luật nhằm xây dựng có định hướng để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thông qua việc thực hiện những chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh, nếu xây dựng đặc khu, ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia thì nhất định không làm. Nếu đã làm thì giữ vững cho được chủ quyền quốc gia và an ninh chính trị của đất nước.

“Ở đặc khu, chính quyền, Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Quân đội của chúng ta; chủ quyền, luật pháp của chúng ta. Chúng ta làm chủ và hoàn toàn điều chỉnh được chứ không phải làm đặc khu để không có vai trò gì trong quản lý, lãnh đạo”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Song thực tế thời gian qua, có nhiều ý kiến cố tình xuyên tạc, đặt điều và một bộ phận nhân dân bị lợi dụng, kích động đi biểu tình để biểu thị lòng yêu nước. Biểu dương, hoan nghênh tinh thần yêu nước, sự quan tâm chính đáng của nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước mà Quốc hội đang bàn thảo, song Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn, nhân dân không để lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những kẻ xuyên tạc, kích động gây mất trật tự an toàn xã hội, thậm chí kích động để phá hoại đất nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến nhân dân. Việc Quốc hội lùi thời gian xem xét thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là để lắng nghe và tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đã ghi nhận, giải đáp các ý kiến của cử tri về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), về xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, công tác phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; Mỹ Thuận-Cần Thơ…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: "Ở đặc khu, chủ quyền, luật pháp của chúng ta"