Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã họp và quyết định bắt buộc khai báo y tế tại các cửa khẩu đối với các hành khách đến từ Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi họp.
Ngày 24/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Bắt buộc khai báo y tế đối với các hành khách đến từ Hàn Quốc
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chính thức thông báo sáng hôm qua (23/2), Bộ Y tế đã họp và quyết định bắt buộc khai báo tờ khai y tế tại các cửa khẩu đối với các hành khách đến từ Hàn Quốc.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng tờ khai y tế đối phòng chống dịch COVID-19.
Đối tượng phải khai báo y tế là hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc tại tất cả các cửa khẩu, bắt đầu từ 15 giờ, ngày 23/2.
Kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh có trách nhiệm chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để điền vào tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách từ Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, khó thở, viêm long đường hô hấp…, kiểm dịch viên y tế cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định (đưa vào khu vực cách ly, khám sàng lọc và báo cáo kịp thời với các cơ quan hữu quan).
Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (có hoạt động kiểm dịch y tế) cần tổ chức in và cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế.
Tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu được cung cấp miễn phí.
Đồng thời, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm kiểm tra việc khai báo y tế của hành khách; đóng dấu xác nhận vào tờ khai y tế và lưu trữ tờ khai y tế theo quy định.
Giảm số lượng chuyến bay đi, đến Hàn Quốc
Liên quan đến thông tin các chuyến bay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm hiện tại, 4 hãng hàng không của Việt Nam (bao gồm: Bamboo Airways, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và Vietnam Airlines) khai thác 14 đường bay từ Cam Ranh, Đà Lạt, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi đến Busan, Incheon, Jeolla-Nam, Gangwon, Cheongwon-gu và Daegu (Hàn Quốc) với tổng tần suất 182 chuyến/tuần/chiều.
8 hãng hàng không Hàn Quốc khai thác 10 đường bay từ 4 thành phố là Busan, Incheon, Daegu và Jeolla Nam đi đến Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng tần suất 381 chuyến/tuần/chiều.
Hiện có hai hãng hàng không đang khai thác đi đến Daegu (mã hiệu TAE): Vietjet Air khai thác đường bay TAE-DAD với tần suất 7 chuyến/tuần/chiều; Tway Air của Hàn Quốc khai thác 2 đường bay từ Daegu đi/đến Đà Nẵng, Cam Ranh với tổng tần suất 14 chuyến/tuần/chiều (mỗi đường 7 chuyến/tuần/chiều).
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, hiện nay tất cả các hãng đều giảm khoảng 60% số lượng chuyến bay đi đến Daegu nói riêng và đến Hàn Quốc nói chung. Trong hai ngày 23-24/2, mỗi ngày chỉ có khoảng 50 hành khách bay và có xu hướng tiếp tục giảm. Cùng với khuyến cáo của chính quyền Hàn Quốc, người dân Daegu không nên ra ngoài trong 2 tuần tới, ngành hàng không Việt Nam dự báo đến hết ngày 24/2 không có khách đi lại nên từ ngày 25/2 sẽ không có chuyến bay từ Daegu, Hàn Quốc đến Việt Nam và ngược lại.
Hãng tin Yonhap sáng 24/2 dẫn nguồn nhà chức trách y tế Hàn Quốc xác nhận có thêm 161 ca mới nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này tính đến sáng 24/2 là 763 người. Theo đó, Hàn Quốc trở thành nước có tổng số ca nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Trước đó, ngày 23/2, Tổng thống Moon Jae-in thông báo chính quyền Hàn Quốc đã nâng cảnh báo về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên mức cao nhất (mức đỏ) trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng tại nước này. Phát biểu sau cuộc họp của chính phủ về COVID-19, Tổng thống Moon nói: "Dịch COVID-19 đang ở thời điểm phát triển mạnh mẽ. Trong vài ngày tới, dịch bệnh sẽ vô cùng nghiêm trọng. Chính phủ sẽ nâng cảnh báo lên mức cao nhất theo khuyến cáo của các chuyên gia". Cùng ngày, Cơ quan Y tế Hàn Quốc đã thông báo ca tử vong thứ 5 do dịch COVID-19 ở nước này. Đó là một nữ bác sĩ ở độ tuổi 50, tử vong vào lúc 14h40 chiều 23/2 (giờ địa phương) tại Bệnh viện Trường Đại học Quốc gia Kyungpook. Bệnh nhân này đã qua trung tâm y tế công cộng, không phải từ bệnh viện Daenam, nơi có các trường hợp tử vong do COVID-19 trước đây, chuyển tới. Theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố ngày 23/2, hơn 50% số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Hàn Quốc có liên quan đến giáo phái có tên Shincheonji (Tân Thiên Địa) trong nước. KCDC cho biết tính đến hết ngày 23/2, có 329 người (chiếm 54,7%) trong số 602 ca được xác nhận nhiễm bệnh, có liên quan đến các thành viên của giáo phái Shincheonji và những người đã tiếp xúc gần với họ. Nhà thờ giáo phái Shincheonji bị nghi là ổ dịch mới bùng phát tại các khu vực của thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang. KCDC thông báo đã đưa 9.334 thành viên của giáo phái Shincheonji vào diện tự cách ly. Trong đó, 1.248 người biểu hiện những triệu chứng của COVID-19. Nhà chức trách Hàn Quốc cho rằng trong 7-10 ngày tới là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 tại nước này, đồng thời cam kết áp dụng mọi biện pháp có thể để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. |