Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng hòa vào dòng người hát Quốc ca ở trong nước cũng như khi ông ra nước ngoài, mà ở đó chỉ một mình ông nhẩm hát theo nhạc điệu của bài hát”, Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ.
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị yêu cầu thực hiện nghi Lễ chào cờ trong sinh hoạt tập thể, tổ chức các hội nghị và sự kiện quan trọng. Theo đó, việc hát Quốc ca khi tiến hành nghi thức chào cờ cần được triển khai thường xuyên, nghiêm túc và thực hiện ngay từ 01/6/2015.
Trong văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức thiêng liêng thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đồng thời giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Việc đưa ra văn bản này trong thời điểm vấn đề Biển Đông đang ngày càng trở nên nóng bỏng, không chỉ trong khu vực mà cả trên bình diện quốc tế, có một ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, cũng như tất cả những người con nước Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
PV đã có cuộc trò chuyện thú vị với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, người từng nổi tiếng với câu nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”.
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Quốc ca- giai điệu hào sảng
Chia sẻ với PV, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ văn bản này của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Theo ông, việc làm này khá muộn màng, song “muộn còn hơn không, còn hơn là để chậm trễ hơn nữa”.
Thiếu tướng chia sẻ, từ khi gia nhập quân đội cho đến bây giờ, ông có thói quen khi nhạc hiệu Quốc ca cử lên, ông sẽ hòa nhịp vào bài hát, dù cả khán phòng, hội trường, hay một nơi sang trọng, mà ở đó mọi người không hát.
Quốc ca Việt Nam rất hay, từ ca từ cho đến giai điệu đều vô cùng ý nghĩa. "Đôi khi, có cảm hứng, trong một sự kiện nào đó, tôi hát, hòa giọng và tâm hồn mình vào trong bản nhạc. Tôi hát rất to. Và tôi tự hào về điều đó. Khi hát, có người nhìn sang tôi với ánh mắt lạ lẫm... Tôi đã duy trì thói quen hát Quốc ca suốt những năm tháng ấy cho đến bây giờ cũng đã được mấy chục năm”, Thiếu tướng Lê Mã Lương kể.
Từ sâu thẳm trong trái tim nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trào dâng lòng tự tôn dân tộc, niềm tự hào về truyền thống một Việt Nam bất khuất, kiên cường với hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời Hùng Vương, An Dương Vương, cho đến thời đại Hồ Chí Minh.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử ấy, trải qua bao thăng trầm, người người kế tiếp nhau, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, bao lớp người đã hi sinh để gây dựng nên một nước Việt Nam độc lập vẹn toàn. Vì thế, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, “không có lý gì mà trong một buổi lễ trang trọng như kết nạp Đảng, hay trong hội trường Quốc hội, hoặc tại một cơ quan nào đó mà mọi người lại không tự mình cất lên giai điệu đầy hào sảng của Quốc ca, thay vì sử dụng băng đĩa thu sẵn”.
Hát Quốc ca là thể niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc
Anh hùng quân đội Lê Mã Lương chia sẻ, mấy năm trước, khi có quyết định cho các nhà máy, công trường, xí nghiệp, trường học, cơ quan Trung ương và địa phương trên phạm vi cả nước, các đơn vị lực lượng vũ trang quân đội, lực lượng công an nhân dân, ở vị trí đóng quân của mình treo quốc kỳ, ông tưởng rằng, cùng với treo Quốc kỳ thì đồng thời sẽ có quy định bắt buộc hát Quốc ca, và tự mình hát chứ không phải dùng lời hát của một nhóm người nào đó hoặc dùng băng đĩa thay thế cho đoàn người đang tề tựu trang nghiêm ở trong hội trường hoặc một nơi trang trọng nào đó. “Vì vậy, khi thấy mọi người không hát, tôi cảm thấy có một chút nuối tiếc”, giọng Thiếu tướng trùng xuống.
Ông đã vô cùng xúc động khi chứng kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin hòa tiếng hát cùng triệu triệu người dân Nga trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, không phải chỉ ở Quảng trưởng Đỏ, mà cùng với tất cả những người dân Nga trên toàn thế giới. “Đó là một khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng, cao cả và thể hiện lòng tự tôn đối với dân tộc”, ông nói.
Bất chợt, ông nhớ lại: “Tôi từng chứng kiến người thường xuyên hát Quốc ca là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Có lần ông tâm sự với tôi rằng, ông cũng từng hòa vào dòng người hát Quốc ca ở trong nước cũng như khi ông ra nước ngoài, mà ở đó chỉ một mình ông nhẩm hát theo nhạc điệu của bài hát”.
Các cầu thủ Việt Nam hát Quốc ca. Ảnh: Zing
Mạch cảm xúc dâng trào, Thiếu tướng chia sẻ: “Vừa qua, trong một trận bóng đá quốc tế, nhìn những cầu thủ Việt Nam đưa bàn tay lên lồng ngực, cất giọng hát hòa cùng giai điệu Quốc ca, trước hàng vạn người, trong đó có những cổ động viên nước ta, tôi thấy rất xúc động. Hay trong thi đấu thể thao, khi cờ Việt Nam vừa kéo lên, nhạc Quốc ca cử lên, vận động viên vừa hát rất to, vừa trào nước mắt, làm cho những người theo dõi, và ngay cả tôi, khi xem truyền hình, cũng muốn cất lên giọng hát hòa chung vào niềm tự hào đất nước”.
“Vậy tại sao không? Tại sao mình không hát, mình không hòa cùng nhịp đập của hàng triệu con tim đó? Phải chăng sự lãng quên, sự vô tình đã làm cho trái tim và tâm hồn chúng ta đang dần chai sạn đi…”, anh hùng Lê Mã Lương tự hỏi.
Thiếu tướng cho biết, khi thấy có một quyết định như thế, ông rất mừng và đáng ra điều này phải được thực hiện cùng với quy định treo cờ ở các công sở, các đơn vị lực lượng vũ trang, chứ không phải muộn màng sau nhiều năm cho đến bây giờ.
Đặc biệt, trong thời điểm nhạy cảm hiện nay đối với tình hình khu vực cũng như thế giới, “chúng ta càng phải thấy được niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước, của độc lập tự do. Và khi hát Quốc ca, lời ca, giai điệu như ăn sâu vào tâm trí của chúng ta và tăng thêm lòng tự hào dân tộc mà bằng máu xương của bao lớp cha ông đã đổ xuống mới có được độc lập trọn vẹn, và phồn vinh như ngày hôm nay”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Thêm lời thề giữ biển đảo sau hát Quốc ca! Các chiến sĩ Hải quân hát Quốc ca tại Lễ chào cờ trên đảo Nam Yết (Quần đảo Trường Sa). Ảnh: An ninh Thủ đô Nối máy với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, được biết hiện ông đang ở Trường Sa. Giọng vui mừng và hồ hởi, ông chia sẻ rằng, dù có ngày nào hát Quốc ca thì ông cũng đồng tình. Theo ông, “Bây giờ nhiều người lo làm ăn nên nhiều khi vô tình quên mất Quốc ca”. Với Trung tướng, Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc hiệu mà không còn thì sẽ không còn gì cả, cho nên bất kỳ tỉnh thành nào, hay đơn vị nào có thể duy trì được việc hát Quốc ca, ông đều hoan nghênh. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng cho rằng, sau khi hát Quốc ca thì nên chăng có thêm lời thề giữ biển đảo quê hương mà tiền nhân đã giao lại cho chúng ta. Và đặc biệt trong tình hình Biển Đông đang dậy sóng, việc hát Quốc ca như là lời nhắc nhở mỗi người con đất Việt nhớ đến Tổ quốc, nhớ đến đất đai, nhớ đến lãnh hải chúng ta. “Đó là một điều để nhắc nhở với mọi công dân yêu vùng trời, vùng đất và vùng biển của Tổ quốc thì phải hát Quốc ca”, Tướng Thước bình luận. |