Thiếu hành lang pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới

Mai Thoa| 24/11/2022 18:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thuốc lá thế hệ mới có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay nhưng lại chưa có hành lang pháp lý để quản lý lĩnh vực này.

Hội thảo ngày 24/11 do Báo Pháp luật Việt Nam- Bộ Tư pháp tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia đến từ Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Tổng cục Hải quan,.. và các cơ quan liên quan đã đề cập sâu về khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề nêu trên.

Đang thiếu chính sách quản lý thống nhất

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, từ hơn 4 năm nay, trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng/nung nóng (HTPs). Cả hai loại sản phẩm thuốc lá này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá để dùng cho việc hút.

Việc sử dụng những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trong học sinh ngày một rõ ràng. Theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019”, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở học sinh thành thị là 3,4%. Tại các thành phố lớn, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh hiện rất đáng lo ngại.

Theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại thành phố Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Tuy nhiên, thuốc lá thế hệ mới chỉ mới được xử lý bằng quy định về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và xử lý vi phạm hành chính. Trong khi thuốc lá điện tử chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, pháp luật hiện nay chưa có quy định.

Trong các năm 2020, 2021, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới.

z3906813395933_e14ad7879e22964e4f69ace4dfe0ed8c.jpg
Ông Đoàn Ngọc Toàn, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Chống buôn lậu Hàng giả và Bảo vệ Quyền sở hữu Trí tuệ, Cục Điều tra Chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan nói về tình trạng buôn lậu thuốc lá điện tử.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Ngọc Toàn, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Chống buôn lậu Hàng giả và Bảo vệ Quyền sở hữu Trí tuệ, Cục Điều tra Chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan cho biết, Hải quan là cơ quan thực thi chính sách. Hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Công Thương thì các mặt hàng thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy, sử dụng cho tẩu IQOS (tẩu rời) và tương tự chưa được nhập khẩu vào Việt Nam.

Do đó, hành vi nhập khẩu, mang theo các mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy vào Việt Nam dưới mọi hình thức không khai báo hải quan đều bị bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể đầu năm 2021 cơ quan hải quan bắt giữ 2.300 điếu thuốc lá điện tử tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn. Gần đây, các lực lượng chức năng của Cục Điều tra chống buôn đã bắt giữ xử lý gần 394 cây thuốc lá điếu điện tử mang vào Việt Nam qua đường hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 thì mặt hàng thuốc lá nói chung thuộc Danh mục mặt hàng nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện của Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Do đó, đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng rất cần có chính sách quản lý thống nhất, phù hợp. Hiện nay, cơ quan hải quan đã, đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương (Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành) để thống nhất các quy định liên quan đến việc quản lý mặt hàng này.

Ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67 năm 2013 về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Cho đến nay, tiến độ xây dựng, thống nhất ý kiến giữa các bộ để trình Chính phủ xem xét, thông qua đã là muộn. Đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá vẫn chưa được hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành. Do đó, khuyến nghị cần sớm thống nhất các nội dung còn ý kiến khác nhau và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá trong thời gian sớm nhất.

z3906812478709_ec6c604af5d83cf641503b2c6cc715f1.jpg
Ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại hội thảo.

Bảo vệ người tiêu dùng ra sao?

Đại diện cho Bộ Công thương để cập nhật tiến trình quản lý thuốc lá thế hệ mới, ông Cao Trọng Quý - Trưởng phòng Công nghệ Thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết: “Trong tháng 10, Bộ Công thương đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Y tế cùng các Cục, Vụ để thống nhất một số nội dung liên quan đến sửa đổi Nghị định thay thế Nghị đinh 67/2013.

Trên cơ sở đóng góp ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Công thương đã hoàn thiện dự thảo Nghị định mới và cũng đang lấy ý kiến chính thức từ Bộ Y tế bằng văn bản. Dự kiến trong tháng 12, sau khi có ý kiến trả lời bằng văn bản của Bộ Y tế đối với một số nội dung còn vướng mắc, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định mới. Đây cũng là căn cứ để giúp công tác quản lý Nhà nước về thuốc lá trong thời gian tới được thuận tiện và hiệu quả hơn”.

Đại diện cho quyền lợi người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên – Trưởng ban Dân chủ Pháp luật, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng chúng ta cần đặt mình vào vị trí của người dân nói chung, người hút thuốc trưởng thành nói riêng.

Khi đặt đề xuất cấm thuốc lá thế hệ mới trong bối cảnh hàng lậu vẫn đang chiếm lĩnh thị trường chợ đen và xem xét từ góc độ quyền lợi của người trong tiêu dùng và cách tiếp cận bảo vệ sức khỏe cộng đồng, có thể nhận ra, người hút thuốc trưởng thành đang bị bỏ quên, chưa được đối xử công bằng và bình đẳng trước cơ hội chăm sóc sức khỏe. Như vậy, người hút thuốc hợp pháp có quyền bình đẳng và được pháp luật tạo điều kiện để tiếp cận những sản phẩm chính danh, chất lượng trong chăm sóc sức khỏe khi có nhu cầu được chuyển đổi sang thuốc lá thế hệ mới ít tác hại hơn thuốc lá điếu. Đáng tiếc, những điều luật bảo vệ con người này dường như đang bị “bỏ quên” trong trường hợp thuốc lá thế hệ mới, khiến người hút thuốc phải đối mặt với nhiều nguy cơ về hệ lụy không mong muốn.

Dưới góc nhìn của Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, định nghĩa thuốc lá được quy định tương đối mở trong Luật. Như vậy, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có thể thuộc định nghĩa thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, thuốc lá thế hệ mới vẫn là mặt hàng chưa được quản lý trên thực tế.

Ông Hải đánh giá: “Hiện nay, Bộ Công Thương được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Nghị định sửa đổi, bổ sung đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành. Qua nghiên cứu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, bên cạnh phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, Bộ Công Thương có thể bổ sung nội dung về quản lý thuốc lá thế hệ mới vào trong Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, đáp ứng nhu cầu quản lý.”

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu hành lang pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới