Ngày 22/5 vừa qua, chính quyền và cơ quan chức năng thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã tổ chức cưỡng chế, tuyên truyền đối với một số hộ dân chưa di dời tại Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT607 - giai đoạn 3, đoạn qua phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn).
Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT 607 - Giai đoạn 3 đoạn qua phường Điện Nam Trung do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư; đơn vị đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác. Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 141 hộ. Đến nay, dự án đã hoàn thành được trên 95% việc chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Tại buổi họp báo thông tin về dự án mới đây, ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, hiện nay còn 14 hộ không chịu bàn giao mặt bằng và cản trở đơn vị thi công, với lý do yêu cầu được bổ sung giá đất ở là 3.000.000 đồng/m2. Mặc dù UBND thị xã và các phòng ban, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nhưng các hộ dân vẫn không chấp nhận, trong đó có hộ của ông Võ Như Ái (trú tại Quảng Lăng 2, phường Điện Nam Trung).
Rất đông người dân tập trung tại khu vực cưỡng chế
Trước đó, ngày 30/6/2014, UBND thị xã Điện Bàn ra quyết định thu hồi đất của hộ ông Võ Như Ái. Thời điểm chỉ còn một ngày nữa là Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Vì vậy, việc bồi thường đối với hộ này được thực hiện theo Luật Đất đai 2003.
Hộ ông Ái có tổng diện tích đất 1.290 m2, trong đó 646 m2 bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT 607; 76,6 m2 ảnh hưởng bởi dự án khu công viên cây xanh.
Ngày 18/8/2015, UBND thị xã Điện Bàn ra tiếp quyết định bồi thường, hỗ trợ chi tiết cho hộ ông Ái với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Đến ngày 11/4/2017, UBND thị xã Điện Bàn ra quyết định điều chỉnh, bổ sung bồi thường. Giá trị bồi thường được bổ sung thêm gần 625 triệu đồng, nâng tổng giá trị bồi thường lên hơn 1,625 tỉ đồng.
Do diện tích đất còn lại của gia đình ông Ái là 567,4 m2, đủ quy định, kích thước tối thiểu làm nhà ở theo Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam nên không được bố trí lô đất tái định cư.
Tuy vậy, xét điều kiện hộ này có tám nhân khẩu cùng sinh sống trên một thửa đất, nên UBND thị xã Điện Bàn thống nhất bán một lô đất tái định cư diện tích 120 m2 có thu tiền sử dụng đất.
Theo báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, hộ ông Ái đã hai lần ký biên bản cam kết nhận tiền và bàn giao mặt bằng vào các năm 2016 và 2017, nhưng đến nay, hộ này vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Lý do là gia đình ông Ái muốn được bố trí thêm một lô đất tái định cư nữa. Tuy nhiên, UBND thị xã Điện Bàn cho rằng yêu cầu của gia đình ông Ái là không có cơ sở.
Ông Nguyễn Đạt cho biết thêm, tuyến đường ĐT 607 là huyết mạch nối vùng bắc Quảng Nam với TP.Đà Nẵng. Việc chậm tiến độ thi công đoạn đường này do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thị xã cũng như các địa phương cũng như TP. Đà Nẵng và TP.Hội An.
Chính vì vậy, ngày 22/5, lực lượng chức năng thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) tổ chức cưỡng chế và bảo vệ thi công đoạn đường dài khoảng 2,5 km thuộc tỉnh lộ ĐT 607 nối Đà Nẵng-Hội An.
Chính quyền địa phương tổ chức lực lượng cưỡng chế
Tại hiện trường, nhiều phương tiện công vụ như xe cứu hỏa, cứu thương, xe cảnh sát… được điều động hỗ trợ công tác cưỡng chế. Hàng trăm người dân hiếu kỳ tập trung theo dõi vụ việc, bất chấp thời tiết nắng nóng. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, nhiều người vẫn vây quanh căn nhà của ông Võ Như Ái để phản đối cưỡng chế. Đến cuối ngày, trước sự quyết liệt của lực lượng chức năng cùng với việc liên tục vận động, thuyết phục gia đình ông Võ Như Ái đã đồng ý tự nguyện bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ông Nguyễn Đạt chia sẻ: "Lúc đầu người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích dự án, cộng thêm một số thành phần xúi giục, nên ban đầu người dân gây cản trở, không chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, buộc chính quyền phải tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, sau khi được các lực lượng chức năng vận động, tuyên truyền người dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng, thống nhất phương án hỗ trợ, đền bù”.