Dẫu biết rằng việc in ấn mua bán sách lậu, sách giả là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nhiều nhà sách vẫn ngang nhiên bày bán tràn lan sản phẩm này trên thị trường, gây thiệt hại cho NXB, hoang mang cho người tiêu dùng.
Nhiều người đổ xô đi mua sách lậu với tâm lý ham rẻ
Còn hơn một tháng nữa mới đến năm học mới, nhưng thị trường sách giáo khoa, sách tham khảo và các loại đồ dùng học tập đã bắt đầu sôi động không chỉ ở nhà sách, cửa hàng sách mà ngay cả vỉa hè, lề đường cũng được chiếm dụng để làm nơi kinh doanh sách. Và theo đó, thị trường sách nở rộ như hiện nay, việc kinh doanh sách lậu, sách kém chất lượng cũng theo đà mà phát triển.
Trên một số tuyến đường lớn ở Hà Nội như đường Láng (Đống Đa), Nguyễn Xí (Hoàn Kiếm), Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy)… tập trung rất nhiều nhà sách, thậm chí sách còn được bày bán la liệt trên vỉa hè. Điều đáng nói ở đây là sách được bán với giá rất rẻ, thậm chí khách hàng còn được giảm giá từ 50-60%, các loại sách cũng vô cùng phong phú từ sách tham khảo đến giáo khoa, tiểu thuyết, truyện ngắn, sách kinh tế, doanh nhân… Và dĩ nhiên, những nhà sách như thế này luôn đông khách. Đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh.
Sách lậu bày bán tràn lan trên vỉa hè
Tại một khu vực bán sách trên phố đường Láng (Đống Đa), em Nguyễn Vân Anh - SV Đại Học Văn Hoá chia sẻ với PV: “Em hay ra khu vực này mua sách, giá ở đây rẻ hơn đến một nửa so với thị trường. Biết là sách in lậu chất lượng không bằng sách thật, nhưng nội dung em thấy vẫn thế, giá cả lại hợp với túi tiền của sinh viên. Với 200.000 đồng mà em đã mua được 4 cuốn sách văn học, thay vì chỉ mua được 1 - 2 cuốn sách thật ở những nhà sách lớn”.
Tuy nhiên, khi mở một số cuốn sách lậu, người ta dễ ràng nhận ra những khuyết điểm như lỗi về đề mục, phông chữ và cả nội dung. Chất lượng giấy thì khác hoàn toàn với so với sách thật, giấy vàng, mỏng và dễ ố, mực in kém chất lượng, dễ nhoè chữ. Sách lậu chủ yếu xuất hiện đối với các loại giáo trình, sách văn học, sách doanh nhân...
Chị Lê Thu (chủ một cửa hàng sách) cho biết: "Sách thật có tem mác đàng hoàng, nhưng chúng tôi nhập về rất khó bán, giá cả thì cao, mãi mới có người hỏi đến. Còn sách in lậu mặc dù chất lượng có kém nhưng có giá rẻ như thế nhưng khách hàng mua loại sách này lại rất đông, có ngày tôi bán được từ 100-200 cuốn đủ các thể loại”.
Điều này cũng cho thấy, giá cả giữa sách lậu và sách thật phải chênh lệch nhau rất nhiều. Ví dụ, cuốn tác phẩm văn học “Cuốn theo chiều gió – Margaret Mitchell” trọn bộ ở những nhà sách lớn đều có giá trên 300.000 đồng, tuy nhiên giá sách in lậu được bày bán ở vìa hè chỉ có 98.000 đồng. Hay cuốn “Thằng gù nhà thờ Đức Bà – Victo Huygo” sách thật bán 85.000 đồng bìa cứng, giấy trắng mịn còn sách in lậu không tem mác chỉ với giá 45.000 đồng.
Rõ ràng, giá cả giữa sách thật và sách in lậu có sự chênh lệch không chỉ gấp đôi, mà còn gấp ba, thậm chí, có cuốn còn gấp cả chục lần. Tâm lý ham mua hàng rẻ, hàng kém chất lượng của chính người tiêu dùng đang tiếp tay cho kẻ xấu, vô hình góp phần làm cho tình trạng sách lậu ngày càng phát triển.
Thay đổi nhận thức góp phần loại bỏ thị trường sách lậu
Từ 1/7/2013, Luật Xuất bản mới đã chính thức đi vào cuộc sống. Luật có nhiều điều được chỉnh sửa để giảm bớt tình trạng sách lậu (sách giả, sách nhái các sách bán chạy, có bản quyền của các nhà xuất bản), thế nhưng những người làm ở lĩnh vực này vẫn chưa yên tâm khi tình trạng in, bán sách lậu vẫn diễn ra tràn lan.
Với tâm lý ham rẻ nhiều người vẫn đổ xô đi mua sách lậu
Trợ lý Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Ðăng Quang cho rằng, nạn in lậu là căn bệnh nan y, cho nên các nhà xuất bản phải tự phòng vệ. Giải pháp chống in lậu hữu hiệu nhất của nhà xuất bản là sử dụng tem chống giả.
Hiện tất cả các sách của nhà xuất bản đều được dán loại tem này (tem hologram, có ngầm chứa nhiều yếu tố chống giả). Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người mua sách và các cơ quan chức năng phân biệt sách thật, sách giả. Rất nhiều vụ làm sách giả của Nhà xuất bản Giáo dục được phát hiện trên thị trường nhờ tem chống giả này.
Nhiều nhà xuất bản cho rằng, mặc dù họ cũng có tem chống giả, nhưng tem chống giả vẫn bị làm giả. Thực tế, người bình thường rất khó có thể phân biệt được đâu là sách thật, sách giả dù có tem chống giả. Chỉ có các cơ quan chức năng, các nhà xuất bản có nghiệp vụ điều tra, phát hiện và có tem chống giả thì mới kiểm tra và phân biệt được.
Để chặn tình trạng bán sách lậu, các cơ quan chức năng cần làm chặt chẽ từ cấp phép in ấn, đến kiểm tra, phát hành. Đồng thời, đưa ra nhiều hình thức xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể truy cứu hình sự. Bên cạnh đó, chính độc giả - những người mua cũng nên tẩy chay sách lậu bằng cách tìm mua sách ở những nhà sách, hiệu sách có uy tín.
Chỉ khi người đọc có kiến thức nhận biết sách thật - sách lậu và ý thức được việc được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình khi mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, nạn sách lậu mới không còn đất để tồn tại.