Sau 150 phút làm bài, các thí sinh đã hoàn thành môn thi thứ 3, môn thi tổ hợp – Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đây là bài thi được đánh giá có "sức nặng" đối với thí sinh bởi các em phải làm 3 môn liên tiếp. Kết thúc buổi thi, các thầy cô giáo tại Hà Nội đã đưa ra nhận định về đề. Còn thí sinh cũng có nhận xét tích cực về bài làm của mình.
Tại điểm thi Trường THCS Phan Chu Trinh, Ba Đình, Hà Nội nhiều phụ huynh đứng ngóng phía ngoài cổng trường đợi tín hiệu hết giờ làm bài vang lên. Những thí sinh đầu tiên bước ra trong sự lo lắng của cha mẹ và một nụ cười cũng xóa đi bao nỗi vất vả.
Thi khối A, thí sinh Nguyễn Hồng Phương – học sinh Trường THPT Chu Văn An làm tổ hợp môn Khoa học tự nhiên cho biết: Đề thi năm nay vừa sức, sát với nội dung ôn tập, một số câu có tính phân hóa để phân loại học sinh. Cả ba môn từ câu 30 trở đi là có độ khó dần, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức cơ bản của sách giáo khoa và mở rộng nâng cao.
“Thời gian mỗi môn thi 50 phút và thi 3 môn liên tục nên em cũng khá căng thẳng, trong đó em thấy đề Hóa học khó nhất. Em nghĩ mình làm đúng khoảng 80% mỗi môn thành phần, và cũng thoải mái vì đã làm hết khả năng và cũng tương đối đạt được mục tiêu”. Phương chia sẻ.
Thi khối B, thí sinh Đặng Tú Trinh cho rằng đề thi tổ hợp KHTN năm nay khá khó, đặc biệt là môn Vật lý và môn Sinh học. Trong đó, môn Sinh học có một số câu lạ và kiến thức khó. "Đề thi năm nay sát với nội dung ôn tập, trong cả 3 đề đều có những câu phân hóa phân loại học sinh. Dù vậy, em vẫn thấy vui vì mình đã hoàn thành đến 90% đề của cả ba môn."
Kết thúc thời gian làm bài thi tổ hợp, thí sinh Lê Vũ Hoàng Trung vẫn không thực sự nhẹ nhõm bởi em không thể hoàn thành bài thi của mình một cách trọn vẹn. Nói về đề thi năm nay, thí sinh này cho biết: "Em thi khối B nên môn Lý em chỉ đăng ký thi để lấy điểm xét tốt nghiệp và em làm bài khá thoải mái. Với những câu thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu em làm cơ bản tốt và nghĩ rằng mình có thể được 6 – 6,5 điểm.
Tuy nhiên với môn Hóa - Sinh dù cố gắng nhưng em chỉ chắc chắn từ câu 1 đến câu 30. Đề càng về cuối càng khó và em không tự tin lắm. Riêng môn Sinh học, mặc dù là môn thế mạnh, nhưng em vẫn có nhiều câu chưa tìm được chắc chắn đáp án đúng." Thí sinh này cũng bày tỏ sự tiếc nuối bởi có một bài tập trong câu vận dụng đã tìm được hướng giải nhưng không kịp thời gian để tìm đến đáp án.
Các thầy cô giáo dạy những môn thuộc tổ hợp KHTN nhận định: Đề thi năm nay có khoảng 90% kiến thức rơi vào chương trình lớp 12, 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 11. Đây cũng là những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu.
Đề thi môn Vật lý năm nay có sự phân hóa rõ ràng. Các câu hỏi bám sát chương trình, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp và các trường đại học vẫn có thể yên tâm sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
Nội dung kiến thức môn Hóa được hỏi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, có 3 câu lớp 11 ở mức độ nhận biết. 20 câu đầu lý thuyết cơ bản mức độ nhận biết, thông hiểu, từ câu 21 đến 25 vận dụng thấp dành cho học sinh Trung Bình, từ câu 26 đến 30 dành cho học sinh khá. Câu 31 đến 40 dành cho học sinh khá giỏi, câu 35 đến 40 khó và lạ dùng để phân hóa học sinh. Dự kiến điểm trung bình năm nay sẽ cỡ 6,8 điểm. Năm nay khó có “mưa” điểm 9, 10.
Ở tổ hợp môn Khoa học xã hội, em Vũ Trà My - học sinh Trường THPT Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội khá hài lòng với bài làm của mình. My cho biết: "Môn Lịch sử kiến thức trải đều chương trình học và đề thi có độ phân hóa khá rõ. Từ câu 1 đến câu 30 đề dễ và học sinh ở mức trung bình khá có thể làm tốt. 10 câu còn lại, mức độ phân hóa ngày càng cao và kiến thức cũng phủ các giai đoạn lịch sử chứ không tập trung vào phần nào, nhưng số câu hỏi lịch sử Việt Nam nhiều hơn. Nhưng em cũng chỉ dám chắc chắn đúng được khoảng 60% bài thi của mình."
Với hai môn còn lại là Địa lý và Giáo dục công dân, nhờ ôn tập kỹ và nắm chắc chương trình nên My cho biết đề không quá khó và mình có thể đạt được trên 9 điểm mỗi môn.
Khi được hỏi về đề thi, nhiều giáo viên tại Hà Nội tổ hợp môn Khoa học xã hội có cùng nhận định: So với năm 2022, đề thi năm 2023 mức độ phân hóa cao hơn, nội dung đề thi có nhiều điểm mới lạ.
Ngoài ra, trong đề xuất hiện nhiều câu hỏi vận dụng thực tế. 92,5% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 7,5% câu hỏi thuộc lớp 11 - tăng 1 câu so với đề thi tham khảo và xuất hiện cả câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới.
Đặc biệt có những câu hỏi so sánh, yêu cầu học sinh tổng hợp kiến thức của nhiều giai đoạn lịch sử, thậm chí kết hợp cả kiến thức lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam để hoàn thành.
Với môn Địa lí nội dung thi bám sát chương trình trong SGK. Tỉ lệ câu hỏi Nhận biết, Thông hiểu/Vận dụng và Vận dụng cao là 75% - 25%. Trong phần câu hỏi Nhận biết, có 15 câu sử dụng Atlat. 25% câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng - Vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lí tự nhiên, Địa lí các vùng kinh tế và Địa lí ngành kinh tế. Đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu tuyển sinh đại học.
Môn Giáo dục công dân, nội dung thi nằm chủ yếu ở kiến thức lớp 12 và một số câu tổng hợp kiến thức lớp 11. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7 - 8.
Tuy nhiên vẫn có những câu hỏi tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, yêu cầu kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao. Thí sinh phải nắm chắc kiến thức lí thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.
Chiều nay, các em sẽ tham gia dự thi ở môn cuối cùng là ngoại ngữ với thời gian làm bài là 60 phút.