Ngày 16/9, tại TPHCM, Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ tổ chức Hội nghị Triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi và tiếp tục khởi sắc, Đảng và Nhà nước đã đưa ra các giải pháp quyết liệt linh hoạt để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ tạo thuận lợi cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Trong đó “Khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan” là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan nhằm thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ hàng năm. Chủ trương này cũng đã được quy định cụ thể tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022, phù hợp với chiến lược phát triển Chính phủ số nói chung, phát triển Hải quan số nói riêng cũng như xu thế của thế giới.
Theo thống kê của cơ quan Hải quan, trong số hơn 190.000 DN có hoạt động XNK được đánh giá trên hệ thống quản lý rủi ro thì có trên 10% DN tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Tuy nhiên, lại có đến 89% DN đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ chiếm trên 16% kim ngạch và tờ khai XNK. Điều này cho thấy mức độ cần phải quan tâm đến nhóm DN tuân thủ thấp và không tuân thủ.
Nắm bắt được điều đó cũng như với mong muốn đồng hành, giúp đỡ DN tự đánh giá được mức độ tuân thủ; từ đó có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ DN tự nguyện tuân thủ, ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Theo đó, lợi ích mà chương trình đem lại cho DN tham gia đó là giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN, DN được bố trí luồng riêng để hỗ trợ, được bố trí công chức hải quan giỏi nghiệp vụ hỗ trợ thủ tục hải quan; tăng tỷ lệ luồng xanh, giảm tỷ lệ luồng vàng và đỏ; cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro giúp cho DN, giảm thiểu tối đa vi phạm pháp luật hải quan.
Do đây là Chương trình thí điểm, nên việc lựa chọn đối tượng tham gia cũng được cân nhắc một cách kĩ lưỡng, giai đoạn đầu là khoảng hơn 200 DN với đầy đủ các loại hình. Mục tiêu mà chương trình hướng đến là sau 2 năm triển khai, tất cả DN tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao).
Để đạt được mục tiêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan Hải quan. Phó Tổng cục trưởng chỉ đạo, các cục hải quan địa phương ngoài việc chủ động hướng dẫn, tuyên truyền, giúp đỡ các DN tự nguyện tuân thủ, sự phối hợp chặt chẽ từ Tổng cục Hải quan đến cục hải quan địa phương và đến từng chi cục sẽ đảm bảo dự đồng bộ, thống nhất trong việc tạo thuân lợi cho các DN tham gia chương trình. Đồng thời, thông qua cơ quan Hải quan để phối hợp với các sở ban ngành địa phương, các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện cho cộng đồng DN tự nguyện tuân thủ pháp luật cũng như tạo thuận lợi rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN.
Cục Quản lý rủi ro là đơn vị đầu mối phối hợp với các vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan cũng như các Ban của VCCI và các Hiệp hội DN kịp thời tổng hợp các vướng mắc, hướng dẫn chi tiết cụ thể, điều phối chung để chương trình đạt được mục tiêu đã đề ra. Đồng thời tổng hợp kiến nghị của cộng đồng DN và cơ quan hải quan đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách về Hải quan và kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN và người dân.
Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, việc triển khai "Chương trình hỗ trợ, khuyên khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật” trước hết đem lại lợi ích cho DN và cộng đồng DN; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Do vậy, các DN vừa có lợi ích, đồng thời cũng cần phải có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan để đánh giá lại thực trạng của việc tuân thủ pháp luật Hải quan nhằm chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tuân thủ; từ đó có chiến lược cụ thể từng bước cải thiện tiến tới xây dựng kế hoạch tự nguyện tuân thủ. Hai bên phối hợp xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh góp phần chống buôn lậu và gian lận thương mại. Ngành Hải quan ghi nhận và đánh giá cao các DN tham gia chương trình này, coi đây là những hạt giống đỏ quan trọng nhằm lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng DN, như một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng DN Việt Nam”- Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Andy Allan, chuyên gia cao cấp về tạo thuận lợi thương mại, dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ; đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia ký kết… đã đánh giá cao chương trình thí điểm của Tổng cục Hải quan. Các ý kiến đều cho rằng, đây là chương trình thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế, khắc phục khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục hải quan; giúp DN chủ động, có biện pháp phòng tránh vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tuân thủ pháp luật…
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro đã giới thiệu những nội dung quan trọng của chương trình thí điểm; ghi nhận giải đáp những câu hỏi vướng mắc của doanh nghiệp…