Thí điểm dùng CMND mẫu mới: Có nên ghi tên cha mẹ lên CMND?

01/08/2012 07:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Công an vừa đưa ra mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới, và chủ trương triển khai thí điểm tại Hà Nội, sau đó áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Theo dự kiến, từ ngày 1-7-2012, mẫu mới này đã được ra mắt người dân nhưng đến nay, vẫn chưa triển khai được.

Hiện dư luận vẫn đang có những ý kiến trái chiều xung quanh một số nội dung ghi trên CMND mới này.

Thuận tiện, dễ quản lý

CMND mới là thẻ nhựa, có kích thước theo tiêu chuẩn quốc tế (giống thẻ ATM), có mã vạch hai chiều, nhiều đặc điểm bảo mật khác. Thông tin trên CMND đầy đủ hơn hiện nay, ngoài thông tin cơ bản của công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, nơi cư trú, vân tay... sẽ thêm thông tin về nhóm máu, họ tên cha, mẹ để kiểm tra đầy đủ căn cước công dân theo gốc.

 

Đây được cho là đểm ưu việt và giải quyết được một số bất cập vì việc cấp mới, cấp lại hay đổi CMND theo phương thức cũ có những bất cập như: làm theo kiểu thủ công (in giấy, dán ảnh, ép…) gây mất thời gian cho cơ quan Công an lẫn người dân, quản trị thủ công, phân tán ở các địa phương; nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, đi nước ngoài vi phạm về thay đổi họ tên, thay đổi CMND, có tình trạng 2-3 người có trùng số CMND hoặc một người có 2-3 số CMND... CMND mới được cấp cho mỗi công dân sẽ thay đổi theo một mã số mới hoàn toàn nên cơ quan công an sẽ thu lại CMND cũ và cấp cho công dân một giấy xác nhận số CMND cũ để giải quyết các thủ tục liên quan như bằng cấp, sổ tiết kiệm...

 

Thí điểm dùng CMND mẫu mới: Có nên ghi tên cha mẹ lên CMND?

Thí điểm dùng CMND mẫu mới: Có nên ghi tên cha mẹ lên CMND?

“Lý lịch” nhân thân hiển hiện trong những giao dịch hàng ngày qua CMND có thể gây “khó” cho người trong cuộc

 

Việc bổ sung mã vạch vào mẫu CMND mới sẽ tạo điều kiện cho việc kiểm tra và chỉ cần đưa CMND vào máy là có thể kiểm tra. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền muốn kiểm tra thì từ số CMND truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ nắm được đầy đủ thông tin. Khi cần xác nhận nhân thân của chủ CMND, cơ quan có thẩm quyền sẽ dùng máy quét mã vạch và máy sẽ cho biết đầy đủ các thông tin về người đó. Mỗi công dân khi được cấp CMND mới sẽ chỉ có một mã số chứng minh, một mã vạch và đi theo công dân đến suốt đời. Một người khi di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác sẽ vẫn giữ một số CMND, không có chuyện đổi số như hiện nay.

 

Theo kế hoạch, các quận, huyện Hoàng Mai, Tây Hồ và Từ Liêm của Tp. Hà Nội sẽ được thực hiện thí điểm cấp CMND mẫu mới và đến năm 2016, việc cấp CMND theo công nghệ mới sẽ được triển khai trên toàn quốc. Hiện, những CMND cũ còn hạn sử dụng vẫn có giá trị, việc đổi CMND theo công nghệ mới được thực hiện đối với những trường hợp: CMND hết thời hạn sử dụng; hư hỏng không sử dụng được; thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh; thay đổi đặc điểm nhận dạng… Việc cấp lại được thực hiện trong trường hợp bị mất CMND. Thời hạn của CMND mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ là 15 năm.

 

Nhưng… “khó” cho người dân(!?)

 

Thượng tá Cao Xuân Lượng, Phó trưởng Phòng Hộ khẩu và CMND, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính và trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, điểm khác biệt là mẫu CMND mới được làm bằng nhựa, khổ nhỏ hơn mẫu cũ, theo chuẩn quốc tế, có phôi bảo an, mã vạch. CMND cũ chỉ có 9 số nhưng mẫu mới có đến 12 con số. Đáng chú ý là sẽ có thêm thông tin về họ tên cha, mẹ trên mặt sau của tấm CMND. Mỗi công dân khi được cấp CMND mới sẽ chỉ có một mã số chứng minh, một mã vạch và sẽ theo công dân đó đến suốt đời. 12 chữ số tự nhiên trên CMND do Bộ Công an cấp, quản lý thống nhất trên toàn quốc; trường hợp đổi, cấp lại thì vẫn giữ nguyên số ghi trên CMND đã cấp lần đầu nên khi một người chuyển từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác sẽ vẫn giữ một số CMND chứ không phải đổi số CMND như hiện nay. Mã số này cũng sẽ đồng thời là số của thẻ công dân điện tử sau này. CMND mới này sẽ tiện lợi cho cơ quan chức năng khi cần tìm nhanh một cá nhân nào đó.

 

Thuận tiện là như vậy, nhưng khi biết thông tin về sự thay đổi này, nhiều người dân lo lắng, e ngại  thực sự khi một sự thật nào đó được phơi bày nếu phải ghi tên cha mẹ trên CMND. Như trường hợp những người sinh ra ngoài giá thú, bố mẹ từng có tiền án, tiền sự mà nhiều người biết tên hay vì một lý do nào đó mà họ không muốn hoặc không được phép ghi tên cha mẹ… 

 

Đây cũng được coi là vấn đề nhạy cảm vì CMND được sử dụng trong nhiều giao dịch hàng ngày. Mỗi khi phải xuất trình CMND, chắc chắn người này sẽ không thể cảm thấy thoải mái khi mình không có tên cha, hoặc có ai đó hỏi khi nhìn thấy sự “bất thường” trên CNMD của họ. Điều này cũng có thể khiến họ tự ti trong các giao dịch, và không chỉ đơn thuần là nhắc đến một “nỗi đau” khó giãi bày của cá nhân họ mà còn ảnh hưởng đến việc tạo lập các mối quan hệ làm ăn sau này. 

 

Nhiều ý kiến cho rằng, CMND là một cái thẻ để xác nhận nhân thân của một cá nhân chứ không phải là bản hồ sơ lý lịch. Và để xác nhận nhân thân một cá nhân thì cần thiết có đủ thông tin riêng để nhận dạng của bản thân người đó như tên, tuổi, nhóm máu, màu tóc, màu mắt, mã vạch… Bởi vậy, nếu muốn tìm hiểu về nhân thân một cá nhân, thì các cơ quan chức năng vẫn cần giở hồ sơ lý lịch chứ không nên nêu hết thông tin nhân thân vào CMND.

 

Nguyên Bình

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm dùng CMND mẫu mới: Có nên ghi tên cha mẹ lên CMND?