Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Đề án Dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020, trong đó có việc thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ thứ nhất từ năm lớp 3 gây nhiều tranh cãi.
Đề án gây nhiều tranh cãi
Theo đó, trong lộ trình của Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Bộ GD-ĐT kỳ vọng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai và các ngoại ngữ: Tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản là ngoại ngữ thứ nhất. Trong đó, tiếng Nhật đã được thí điểm từ lớp 3 tại 5 trường ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ năm học này và bắt đầu từ năm học 2017, Bộ sẽ thí điểm dạy tiếng Trung Quốc và tiếng Nga từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Ngoại ngữ thứ hai bao gồm: Tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức.
Khi Đề án này đưa ra ngay lập tức đã có rất nhiều ý kiến phản hồi, đa số ý kiến phụ huynh đều cho rằng, việc dạy và học ngoại ngữ là tốt, song Bộ GD-ĐT cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định này.
Trên thực tế, nhiều năm trước, tiếng Nga đã được dạy trong các trường tiểu học và THCS, tuy nhiên cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, khi mà tiếng Anh chiếm ưu thế và được sử dụng rộng rãi khắp mọi nơi thì tiếng Nga đã không còn chỗ đứng.
Thế hệ học sinh học tiếng Nga hẳn đã rất hụt hẫng khi bỗng chốc đang học một tiếng ngoại ngữ quen thuộc, mới quen với việc phân biệt được “giống đực, giống cái” trong tiếng Nga, mới biết nói “xin chào, cảm ơn, xin lỗi”… bỗng dưng phải chuyển sang tiếng Anh xa lạ lúc đó. Và tôi tin chắc rằng, lúc bắt đầu học tiếng Anh, chúng ta đều phát âm cứng nhắc, giật cục và thậm chí đọc nhầm, viết nhầm sang tiếng Nga.
Một số phụ huynh học sinh cho rằng, việc học nhiều ngoại ngữ là rất tốt trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay. Nhu cầu học tiếng Nga, tiếng Trung hay bất cứ một ngoại ngữ nào đều là cần thiết. Tuy nhiên cái họ quan tâm hiện nay, nếu đem những ngoại ngữ này vào giảng dạy trong trường học, nguồn giáo viên sẽ lấy từ đâu, bởi ngay cả giáo viên dạy tiếng Anh, môn ngoại ngữ phổ biến nhất hiện nay cũng đang còn rất thiếu và các trường đại học đào tạo cũng đa số đã bỏ tiếng Nga, tiếng Trung.
Mới đây, chị An Xinh Trương, một phụ huynh có con đang theo học tiểu học tại Hà Nội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Nếu trường con tôi học đăng ký "thí điểm" tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con chuyển trường. Nếu các trường học ở Việt Nam đều dạy "thí điểm" tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con nghỉ học hoặc du học. Tôi không kỳ thị thứ tiếng nào cả, nhưng tôi không chấp nhận con tôi trở thành vật thí nghiệm cho sự bảo thủ của người khác”.
Một phụ huynh có con đang học lớp 4 Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Tôi được biết, năm nay Trường THCS Khương Thượng sẽ thí điểm dạy tiếng Nhật cho học sinh từ lớp 3. Quan điểm của tôi là Bộ nên nghiên cứu kỹ trước khi cho triển khai thí điểm. Bởi lẽ, học sinh không phải những con chuột bạch để các nhà khoa học thích thì mang ra thí điểm, thấy không hợp lý thì lại bỏ đi. Bản thân tôi cho con học thêm tiếng Anh ở các trung tâm lớn từ bé mà cho tới giờ trình độ tiếng Anh của con vẫn còn “bập bõm”. Đó là chưa kể chương trình học của các cháu hiện giờ quá nặng, cả tuần dường như con không có ngày nghỉ. Nếu giờ cho các cháu học tiếng Nhật nữa thì không hiểu kiến thức các cháu “chứa” vào đâu được nữa.
Không chỉ các bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục cũng tỏ ra rất băn khoăn khi Đề án này được đưa ra. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc triển khai dạy tiếng Trung theo đăng ký của phụ huynh đã được địa phương này triển khai từ lâu, còn việc dạy tiếng Nga, ông vẫn chưa nghe nói tới.
“Hiện tại, cấp tiểu học ở TP. Hồ Chí Minh, ngoài tiếng Anh, các em được học cả tiếng Pháp, tiếng Trung do một số phụ huynh và kiều bào người Hoa có nhu cầu đăng ký. Và năm nay, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dạy tiếng Nhật ở cấp tiểu học”, ông Vinh cho biết.
Nói về chủ trương có thể sẽ thí điểm dạy tiếng Nga từ lớp 3 trong thời gian tới, ông Vinh cho hay, ông không có ý kiến gì về điều này.
Học ngôn ngữ gì cũng tốt, nhưng quan trọng là chất lượng đào tạo
Còn bà Lê Anh Thơ, nguyên Phó Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng, nhu cầu ở mỗi địa phương có thể khác nhau về việc lựa chọn các ngoại ngữ khác nhau. Tuy nhiên, theo cá nhân bà, chúng ta vẫn cần nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh vì tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ toàn cầu và cần thiết nhất hiện nay.
“Các ngoại ngữ khác các em có thể chọn để học thêm nếu có nhu cầu, chứ không cần thiết phải đưa vào giảng dạy như ngoại ngữ 1. Ngoài ra, để đưa tiếng Trung, tiếng Nga vào giảng dạy chương trình chính thức, cần phải có một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản. Liệu mình có thể làm tốt việc này khi giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn vẫn còn khá "khan hiếm?"”, bà Thơ nói.
Trên trang cá nhân của mình, GS.TS Văn học Trần Đình Sử cũng đề nghị chủ trương thí điểm dạy tiếng Trung và tiếng Nga từ lớp 3 trong năm 2017 phải được đem thảo luận ở Quốc hội, sau đó mới thi hành bởi dạy ngoại ngữ là một vấn đề quốc sách.
Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) cho hay, việc học tiếng Trung là thêm hoặc chọn một ngoại ngữ độc lập. Ngoài tiếng Anh mang tính chất phổ biến như một công cụ giao tiếp quốc tế, các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Hàn, tiếng Nhật chỉ nên coi là ngoại ngữ thứ hai tự chọn, không bắt buộc.
Cần thảo luận kỹ trước khi quyết định
Trước nhiều ý kiến, quan điểm của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, Đề án trước mắt tập trung vào nâng cao chất lượng tiếng Anh, song khuyến khích các tỉnh tùy vào tình hình thực tế để dạy học thêm các ngoại ngữ khác.
Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm: "Việc học ngoại ngữ muốn tiến triển nhanh thì người học cần phải được mở rộng giao lưu với giáo viên bản ngữ, sinh viên nước ngoài. Học tiếng gì phải tiếp cận với người nói tiếng đó".
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, để đất nước nâng cao trình độ tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh tốn rất nhiều tiền bạc. Do đó, chủ trương ngay từ đầu là không đầu tư dàn trải, phân tán dẫn đến lãng phí. Theo đó, tập trung vào những vấn đề cốt lõi. Tới đây, các trung tâm, địa phương được lựa chọn, muốn nhận được tiền phải có đề án và thẩm định công khai, minh bạch và có sản phẩm.
Để thực hiện tốt các vấn đề nêu trên, một nhiệm vụ cần làm là rà soát lại chuẩn giáo viên. Theo đó, giáo viên trường sư phạm ngoại ngữ cũng phải có chuẩn, chứ không phải cứ tiến sĩ là có chuẩn. Ví dụ các thầy cô có bằng cấp tiến sĩ tiếng Anh nhưng lại ít am hiểu về dạy cho phổ thông nên các thầy các cô toàn dùng lý thuyết nhiều. Còn các thầy cô đang đứng lớp ở các bậc học theo 6 bậc cũng theo chuẩn của khung tham chiếu châu Âu.
Xin mượn ý kiến của ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục & trí tuệ Việt để làm lời kết: “Ngôn ngữ nào cũng quý, song phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng mọi phương diện trước khi triển khai - dù là triển khai thí điểm hay đồng loạt. Chúng ta không thể đem trẻ nhỏ ra làm chuột bạch như các thế hệ 7X, 8X trước đây. Suốt 7 năm THCS, THPT học tiếng Nga để rồi cũng chỉ vì không được đầu tư đến nơi đến chốn, chính sách đó đã gây lãng phí thời gian tuổi trẻ và lỡ làng cơ hội của hàng triệu người. Dù trong đối ngoại, bang giao, kinh tế hay bất kỳ lĩnh vực nào, với việc giỏi tiếng Anh, chúng ta khá dễ dàng có thể tìm hiểu thông tin về đối tác, đàm phán, ký kết với các quốc gia trên thế giới. Các ngôn ngữ khác nên xây dựng cơ chế tự chọn hoặc hoạch định theo vùng miền, khu vực, lĩnh vực, phân cấp đối tượng.
Học bất kỳ ngôn ngữ gì cũng tốt, quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo có khiến cho con trẻ Việt Nam tự tin sử dụng sau lộ trình đào tạo? Hay chúng ta cứ khơi lên, cứ hô hào rồi "đầu voi đuôi chuột"?
Mặc dù đây mới chỉ là đề xuất chưa phải kế hoạch thực hiện ngay theo lộ trình đề án, nhưng thiết nghĩ, đề xuất cũng cần xuất phát từ thực tế và cần có sự nghiên cứu kỹ càng để tránh sự tranh cãi gây xáo trộn. Bởi suy cho cùng, giáo dục nước ta vốn đã có quá nhiều những mâu thuẫn, quá nhiều những thay đổi đột phá có tác dụng ngược.