Ngày 27/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương đã nhấn mạnh nhiều nội dung trọng tâm, trong đó làm rõ sự khác biệt trong công tác tổ chức kỳ thi đối với hai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 và 2018, cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, khách quan.
Một số điểm khác biệt trong tổ chức thi tốt nghiệp
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, một trong những nguyên tắc, phương châm trong tổ chức công việc là khâu chuẩn bị là yếu tố quan trọng nhất. Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa và chủ động dự phòng mọi tình huống, thì công việc sẽ diễn ra một cách tối ưu như kỳ vọng.
Việc thay đổi lớn hơn cả đó là, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp cũng tác động không nhỏ đến các khâu tổ chức.
Tuy nhiên, ông Thưởng nhấn mạnh không để những điều chỉnh làm ảnh hưởng đến đến kỳ thi nói chung và tạo ra những khoảng trống trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. "Thanh tra, kiểm tra không thể qua loa, đây là công việc mà có thể chỉ là những sơ suất nhỏ nhưng để lại hậu quả lớn", Thứ trưởng bày tỏ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức song song hai bộ đề thi dành cho hai nhóm thí sinh: Một theo Chương trình GDPT 2006 và một theo Chương trình GDPT 2018. Việc xây dựng hai bộ đề riêng là cần thiết nhằm bảo đảm đánh giá đúng chuẩn kiến thức, năng lực học sinh theo từng chương trình.
Thí sinh học chương trình GDPT 2006 tiếp tục thi các môn truyền thống với đề thi mang tính ổn định như những năm trước, được phép mang Atlat vào phòng thi môn Địa lý. Trong khi đó, thí sinh học theo chương trình GDPT 2018 sẽ thi các môn đã học ở lớp 12 với đề thi có cấu trúc hiện đại hơn, có thể gồm câu hỏi đúng – sai, điền khuyết hoặc trả lời ngắn nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức.
Công tác coi thi vì thế cũng được yêu cầu siết chặt. Các phòng thi phải được bố trí hợp lý để phân tách thí sinh theo chương trình học, tránh phát nhầm đề. Việc xử lý, bảo quản đề thi thừa cũng phải thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn, bảo mật. Quy trình thu bài thi và xử lý bài thi được quy định nghiêm ngặt
Với việc tổ chức hai bộ đề thi, quy trình thu bài thi năm nay đòi hỏi cán bộ coi thi phải đặc biệt chú ý. Bài thi phải được thu đúng theo mã đề tương ứng với chương trình học của thí sinh. Bất kỳ sai sót nào trong khâu này đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi thí sinh và chất lượng kỳ thi.
Siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra
Một nội dung quan trọng được Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh tại hội nghị là việc siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu tổ chức kỳ thi.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra ở cấp trung ương, đồng thời chỉ đạo Sở GD&ĐT các địa phương triển khai thanh tra, kiểm tra tại tất cả điểm thi.
Công tác thanh tra được cho là sẽ tập trung vào việc chuẩn bị đề thi, coi thi, chấm thi, bảo quản bài thi và việc thực hiện các quy định trong Quy chế thi. Đặc biệt, các cán bộ thanh tra, kiểm tra cần nắm chắc nghiệp vụ, phản ứng nhanh với các tình huống phát sinh và kiên quyết xử lý nghiêm minh các sai phạm.
Ông Chương nhấn mạnh: "Đây là kỳ thi đặc biệt với nhiều thay đổi quan trọng. Chúng ta phải tổ chức thi đúng quy định, không để xảy ra sơ suất nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh, cũng như niềm tin của xã hội với kỳ thi quốc gia quan trọng này".
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an cũng trình bày hướng dẫn cách nhận biết, phát hiện thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.