Ngày 12/4/2018, một lần nữa, TAND TP HCM tiếp tục hoãn phiên tòa vì phía bị đơn là DWS Star Bridge Limited Liability (DWS) vắng mặt.
Nguyên nhân vì sao đại diện của DWS không “lộ diện” tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền lợi của mình đến nay vẫn chưa có lời giải.
Như Báo Công lý phản ánh, ngày 30/08/2007, UBND TP HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển Nhà Việt Nam – Hàn Quốc (VK Housing) làm chủ đầu tư Dự án The Mark tại Quận 7, có tổng vốn đầu tư là 79 triệu USD. Vốn điều lệ của Công ty là 23.868.439 USD, trong đó Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà nay là Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) góp 4.773.688,80 USD, chiếm 20% vốn góp; Công ty Lucky Vietnam Construction (LVC) góp 4.296.319,02 đô-la Mỹ, chiếm 18% vốn góp; Công ty P&D Korea Co., Ltd (P&D) góp 14.798.432,18 USD, chiếm 62% vốn góp.
Biên bản ghi nhận sự vắng mặt tại phiên toà của DWS Star Bridge Limited Liability
Trong quá trình liên doanh, do áp lực các khoản nợ vay cá nhân, các đối tác Hàn quốc nắm giữ 80 % vốn góp đã tổ chức họp Hội đồng thành viên, tại cuộc họp đã đề nghị HDTC dùng quyền sử dụng đất của lô đất để thế chấp và đề nghị các công ty góp vốn (trong đó có HDTC) và cá nhân ông Lee Jong Suk đứng ra bảo lãnh cho VK Housing để vay khoản tiền 15 tỷ won tương đương khoảng 12.500.000 USD với thời hạn vay là một năm để trả nợ.
Ngày 4/12/2009, Hội đồng thành viên VK Housing đã ra nghị quyết nhất trí việc VK Housing vay vốn với mục đích bổ sung nguồn vốn lưu động của công ty. Theo yêu cầu của bên cho vay, các bên đồng ý ký thỏa thuận hủy Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa HDTC và VK Housing để HDTC dùng giá trị quyền sử dụng đất đảm bảo cho các khoản vay của VK Housing.
Ngày 04/12/2009, Hợp đồng vay giữa VK Housing (bên vay) ký với DWS (bên cho vay), tổ chức trung gian: Daewoo Securities Co., Ltd, bên bảo lãnh: HDTC, LVC, P&D và ông Lee Jong Suk. Cùng ngày, HDTC và Ngân hàng Woori Bank – Chi nhánh TP HCM với VK Housing có ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất lô đất có tổng diện tích 29.310 m2 của HDTC để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho VK Housing về khoản vay trên.
Do các đối tác nước ngoài không có khả năng trả nợ, nên DWS đã yêu cầu tuyên bố phá sản đối với P&D và LVC. Theo Quyết định tuyên bố phá sản 2014HaHap100129 ngày 22/7/2015 của Tòa án quận Trung tâm Seoul, Hàn Quốc, P&D được thành lập vào ngày 3/9/1999, theo hình thức công ty cổ phần chưa niêm yết, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn mua bán công ty, môi giới và kinh doanh phát triển nhà ở. Theo Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi ngày 21/10/2005, với qui mô là 500 triệu won.
Trong quá trình kinh doanh, P&D đã tham gia thành lập VK Housing với các nhà đầu tư bao gồm LVC và HDTC để thực hiện hoạt động kinh doanh phát triển nhà ở tại Việt Nam vào tháng 10/2007.
VK Housing đã vay số tiền 15 tỷ won từ DWS vào ngày 4/12/2009 và P&D bảo lãnh liên đới vay tiền. DWS đã kéo dài thời gian trả tiền vay cho đến ngày 28/12/2010 mà đến nay VK Housing vẫn chưa trả được số nợ tiền vay. Thêm vào đó, P&D ngoài tài sản là vốn góp vào VK Housing ra thì không còn tài sản nào khác nên hiện đang rơi vào tình trạng không có khả năng trả nợ cho bảo lãnh liên đới nói trên… Do đó, P&D bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Tương tự, LVC được thành lập 19/1/2005 theo hình thức công ty cổ phần chưa niêm yết với quy mô là 100 triệu won. LVC cũng tham gia góp vốn thành lập VK Housing. Cũng do liên đới khoản vay 15 tỷ won trên của VK Housing nên cũng bị Tòa án quận Trung tâm Seoul, Hà Quốc tuyên bố phá sản vào ngày 22/7/2015, với lý do tương tự.
Sau khi các đối tác nước ngoài bị tuyên bố phá sản. Ngày 16/03/2016, quản tài viên do Tòa án quận Trung tâm Seoul chỉ định và DWS ký hợp đồng chuyển nhượng 62% vốn điều lệ VK Housing thuộc quyền sở hữu của P&D với giá 776.000.000KRW tương đương 15.450.160.000 đồng và 18% vốn điều lệ VK Housing thuộc quyền sở hữu của LVC với giá 225.000.000KRW tương đương 4.479.750.000 đồng cho DWS. Theo tỷ giá ngày 16/03/2016, tổng giá trị 2 hợp đồng chuyển nhượng này khoảng 20 tỷ đồng.
Tại mục 5, Điều 3 của 02 hợp đồng chuyển nhượng vốn góp này nêu rõ: “Bên nhận chuyển nhượng phải thực hiện các thủ tục cần thiết như (i) xin công nhận hợp đồng này từ Tòa án Việt Nam;…”. Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, 02 bản hợp đồng chuyển nhượng vốn góp trên chưa được Tòa án của Việt Nam công nhận nên không có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, DWS đã dùng hai hợp đồng này và giấy xác nhận của ông Lee Jong Suk – Tổng Giám đốc VK Housing để thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của VK Housing. Ngày 21/4/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 2 chuyển đổi tư cách thành viên VK Housing. Theo đó, DWS thay thế 2 thành viên P&D và LVC với phần vốn góp 80% tương đương xấp xỉ 305,516 tỷ đồng. Và, DWS cử bà Yeh Kuo, Shun – Kuai giữ chức danh Tổng Giám đốc làm đại diện pháp luật VK Housing.
Thông báo giải chấp khoản vay
Cũng liên quan đến khoản vay 15 tỷ won trên, ngày 28/12/2016, HDTC đã nộp 400 tỷ đồng để giải chấp khoản vay trên cho Ngân hàng Woori Bank – Chi nhánh TP HCM để nhận lại giấy tờ đất.
Do đó, việc thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 2 của VK Housing đưa thành viên mới DWS thay thế 2 thành viên P&D và LVC là không tuân thủ Hợp đồng liên doanh và qui định của pháp luật. Các thành viên của VK Housing xảy ra tranh chấp.
Từ khi phát sinh tranh chấp hợp đồng góp vốn, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam liên tục có văn bản gửi bà Yeh Kuo, Shun – Kuai cũng như DWS cử người tham gia giải quyết. Tiếc thay, đến nay, DWS vẫn không cử người tham gia để bảo vệ quyền lợi của mình. Bản thân bà Yeh Kuo, Shun – Kuai vẫn không xuất hiện hoặc ủy quyền cho người khác tham gia giải quyết vụ án. Do đó, TAND TP HCM đã thực hiện ủy thác tư pháp gửi đến trụ sở của DWS tại nước ngoài theo qui định pháp luật.
Theo Cục quản lý xuất cảnh Bộ Công an, kể từ ngày 21/4/2016, bà Yeh Kuo, Shun – Kuai đã xuất cảnh khỏi Việt Nam qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến ngày 6/4/2018 chưa có thông tin bà nhập cảnh vào Việt Nam.
Ông Đinh Trương Chinh, Chủ tịch HĐQT HDTC bức xúc: “Từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay, VK Housing chưa hề triển khai đầu tư xây dựng dự án. Trong quá trình liên doanh, các đối tác nước ngoài mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản. Theo hợp đồng liên doanh thì chỉ duy nhất có HDTC mới có quyền ưu tiên mua lại phần vốn góp. Lẽ ra, khi tuyên bố phá sản đối với các thành viên P&D và LVC thì phải thông báo cho HDTC biết để mua lại phần vốn góp này. Chưa kể, khi thành viên bị phá sản thì Hợp đồng liên doanh chấm dứt hiệu lực. Mọi vấn đề được giải quyết theo qui định pháp luật.
Việc DWS bỏ ra gần 20 tỷ đồng nhận chuyển nhương phần vốn góp của P&D và LVC không thông qua HDTC. Thậm chí, hợp đồng này chưa được công nhận thi hành tại Việt Nam, DWS đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 2, ngang nhiên đứng tên phần vốn góp 80% tương đương hơn 305 tỷ đồng của VK Housing là vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng liện doanh”.
Rất may, giấy chứng nhận lần 2 này đã bị thu hồi, hủy bỏ. Và cũng kể từ đây, mặc dù không nhập cảnh vào Việt Nam nhưng bà Yeh Kuo, Shun – Kuai vẫn đứng tên đại diện pháp luật VK Housing ký văn bản khiếu nại khắp nơi!?
Ông Đinh Trường Chinh chua chát: “Trong vụ này, HDTC là người bị hại, gánh chịu thiệt thòi mặc dù không phải việc tự mình gây ra. Trước mắt, HDTC phải đứng đơn tranh chấp hợp đồng góp vốn với DWS mà người đại diện bị đơn không xuất hiện. Về lâu dài còn phải giải quyết hậu quả đối với liên doanh.
Chưa kể, trong thời gian làm người đại diện pháp luật, ông Lee Jong Suk còn nhân danh VK Housing ký vay mượn tiền của không ít đối tác bên ngoài đến nay chưa trả nợ. Quả là một chặng đường dài, không ít chông gai phía trước”.