Vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích đang khiến mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Saudi Arabia căng thẳng.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các nhà điều tra nước này đang phối hợp với nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia để làm rõ vụ nhà báo Jamal Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia và đang tìm cách trở thành công dân Mỹ mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc đang khiến mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Saudi Arabia căng thẳng.
Theo đó, nhà báo Khashoggi đã mất tích kể từ ngày 2/10 sau khi vào tòa nhà lãnh sự quán Saudi Arabia để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Khashoggi được biết đến là nhà báo, nhà bình luận chính trị nổi tiếng thường xuyên chỉ trích các chính sách của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ông này cũng đang trong quá trình tìm cách để trở thành công dân Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.
Cô Hatice Cengiz, vợ chưa cưới của nhà báo Khashoggi cho biết, sau khi Khashoggi vào lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, cô đã chờ bên ngoài suốt ba giờ và được thông báo rằng Khashoggi đã rời đi nhưng cô khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy anh đã ra ngoài. Cô yêu cầu Mỹ giúp đỡ làm rõ vụ việc. Đáp lại yêu cầu, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang sắp xếp một cuộc họp tại Nhà Trắng với cô Cengiz.
Như vậy, vụ mất tích của nhà báo Khashoggi giờ không chỉ đơn thuần là trong phạm vi vụ việc của một quốc gia mà nó đã khiến mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ trở nên căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường áp lực đối với Saudi Arabia, một đồng minh thân cận tại Vùng Vịnh, nhằm buộc nước này cung cấp thêm thông tin về phóng viên bị mất tích Khashoggi và muốn biết ngọn ngành về vụ việc hết sức nghiêm trọng này.
Tổng thống Mỹ trong một tuyên bố được đưa ra tại Phòng Bầu dục cho biết, ông đã nêu vấn đề về Khashoggi với phía Saudi Arabia ở mức cao nhất và nhiều hơn một lần trong những ngày gần đây. Nhà Trắng cũng cho biết, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của ông Donald Trump đã nói chuyện với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman về vấn đề này.
Vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích đang khiến mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Saudi Arabia căng thẳng
Liên quan tới vụ nhà báo người Saudi Arabia Khashoggi bị mất tích, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã xác định được danh tính của 15 người được cho là nghi phạm của vụ án, đồng thời tái khẳng định nhà báo này đã bị sát hại.
Theo nguồn tin từ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm người này được cho là đã tới Istanbul vào hai ngày trước khi ông Khashoggi mất tích và đã sử dụng một chiếc xe màu đen di chuyển khỏi lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul.
Nguồn tin này cũng tiết lộ, trong ngày ông Khashoggi mất tích, các nhân viên người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại lãnh sự quán đã được yêu cầu nghỉ ở nhà. Ngoài ra, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng những cảnh quay từ camera an ninh bên trong lãnh sự quán đã được gỡ bỏ và đưa về Saudi Arabia bằng máy bay riêng.
Trước những cáo buộc nêu trên từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia đã bác bỏ hoàn toàn. Bộ trưởng Nội vụ Arab Saudi Abdul Aziz bin Saud bin Nayef tuyên bố, những cáo buộc nhằm vào nước này là "sự dối trá và hoàn toàn vô căn cứ".
Về phía Tổng thống Mỹ, ông cho rằng Riyadh có thể đứng sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích, cảnh báo có thể trừng phạt Arab Saudi vì cáo buộc này.
Nhưng theo dự đoán của các chuyên gia, nếu lời cảnh báo trừng phạt của Mỹ đưa ra trở thành hiện thực sau vụ nhà báo người Jamal Khashoggi mất tích, Arab Saudi nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, vẫn ở thế thượng phong, còn nền kinh tế thế giới sẽ bị tác động mạnh, trong đó có Mỹ.
Vốn là quốc gia có nguồn dự trữ dầu lớn nhất thế giới, Arab Saudi cho biết, họ sẽ vẫn tiếp tục khai thác 260 triệu thùng dầu, tương đương lượng dầu bơm lên và vận chuyển mỗi ngày là 7 triệu thùng. Đây sẽ là thế mạnh rõ rệt nhất của Arab Saudi và là cú đấm vào nền kinh tế thế giới do nước này có quyền lực để đẩy giá dầu thế giới lên cao.
Riyadh cũng đang xem xét hơn 30 biện pháp để gây áp lực lên Mỹ nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt nước này trước sự biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi mà Mỹ nghi bị Arab Saudi thủ tiêu.
Giảm sản lượng dầu sẽ là một trong số các biện pháp đó. Điều này sẽ khiến cho giá dầu tăng từ 80 USD/ thùng dầu lên tới 400 USD/ thùng, cao gấp hơn hai lần so với thời giá dầu cao đỉnh điểm hồi năm 2008 (147,27 USD/thùng). Việc tăng giá dầu này sẽ tác động mạnh mẽ toàn cầu, không chỉ đối với những người đi xe máy, ô tô mà đẩy tất cả các loại giá cả leo thang.
Nền kinh tế Mỹ cũng sẽ thiệt hại nặng nề, trong đó có các nhà xuất khẩu vũ khí Mỹ. Đó là các tập đoàn Lockheed Martin, Boeing, General Electric và ExxonMobil. Bởi lẽ, Arab Saudi là nhà nhập khẩu vũ khí thứ nhì thế giới sau Ấn Độ và là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Mỹ.
Mặc dù vậy, Arab Saudi cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngay sau khi lời cảnh báo trừng phạt được ông Donald Trump đưa ra, thị trường chứng khoán Arab Saudi ngay lập tức bốc hơi 33 tỷ USD.