Rạng sáng 8/12, tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 4 đã được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 38, mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 4, đã được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
Theo đó, tên lửa đẩy Trường Chinh 38, mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 4 (Chang’e-4), đã được phóng vào lúc 2h23 sáng 8/12 (giờ địa phương). Dự kiến, tàu Hằng Nga 4 sẽ lần đầu tiên đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng trong thời gian tới, mở ra hi vọng mới của Trung Quốc trong quá trình khám phá Mặt Trăng.
Các nhiệm vụ khoa học của tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 4 bao gồm: quan sát thiên văn vô tuyến tần số thấp, khảo sát địa hình và địa chất, phát hiện thành phần khoáng vật và cấu trúc bề mặt Mặt Trăng, đo bức xạ neutron và nguyên tử trung tính để nghiên cứu môi trường ở vùng tối của Mặt Trăng, thông báo của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết.
Cũng theo CNSA, để phát triển các sứ mệnh của tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 4, hiện Trung Quốc đã thúc đẩy hợp tác quốc tế với các nhà khoa học đến từ Hà Lan, Đức, Thụy Điển và Arab Saudi.
Dự kiến, tàu Hằng Nga 4 sẽ lần đầu tiên đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng trong thời gian tới
Theo thông báo, Trung Quốc đã thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng của mình, với sự tham gia hỗ trợ phát triển các sứ mệnh của tàu thăm dò trên bởi những nhà khoa học từ Hà Lan, Đức, Thụy Điển và Saudi Arabia.
Trước đó, ngày 7/12, Trung Quốc đã phóng 2 vệ tinh của Arab Saudi bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2D từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở phía Tây Bắc Trung Quốc.
Mỗi vệ tinh nặng 425kg, cả hai vệ tinh viễn thám quỹ đạo tầm thấp được Arab Saudi phát triển và dự kiến có tuổi thọ là 5 năm. Hai vệ tinh này chủ yếu được sử dụng để chụp ảnh mặt đất.