Tin vắn thế giới ngày 12/12: Cứu hộ chưa thể tiếp cận đảo núi lửa New Zealand

Trâm Anh| 12/12/2019 06:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cứu hộ chưa thể tiếp cận đảo núi lửa New Zealand, Mỹ siết chặt trừng phạt Iran... là những tin tức thế giới nổi bật.

Cứu hộ chưa thể tiếp cận đảo núi lửa New Zealand

Cảnh sát New Zealand tuyên bố sẽ "thật điên rồ" nếu cho lực lượng cứu hộ tiếp cận Đảo White - nơi núi lửa vừa phun trào hôm 9/12. Núi lửa phát tán cột tro bụi cao khoảng 3,6 km, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, 26 người bỏng nặng và chính quyền tin rằng 8 người mất tích trên đảo có rất ít cơ hội sống sót.

Tin vắn thế giới ngày 12/12: Cứu hộ chưa thể tiếp cận đảo núi lửa New Zealand

Tư lệnh Cảnh sát New Zealand Stuart Nash dẫn lời các nhà địa chấn học dự đoán khả năng một vụ phun trào núi lửa nữa có thể xảy ra trên đảo là 50%. Ông Nash cũng cảnh báo về khí độc có thể phát sinh do núi lửa phun trào, kèm theo lớp tro bụi dày đang phủ kín hòn đảo.

Mỹ trừng phạt tướng quân đội thân cận Thủ tướng Campuchia Hun​ Sen

Cựu tướng Kun Kim, cựu tham mưu trưởng Quân đội hoàng gia Campuchia (RCAF) hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý thiên tai, một cộng sự thân cận của nhà lãnh đạo Campuchia, là một trong hai doanh nhân bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì nghi họ tham nhũng và phá rừng trái phép, cưỡng chế đất đai để tư lợi.

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ xác định cựu tướng Kim, ba người thân của ông và các công ty gia đình của ông phải bị trừng phạt vì tham nhũng và khai thác trái phép nguồn tài nguyên quốc gia Campuchia, chiếm đoạt tài sản tư nhân, tham nhũng liên quan các hợp đồng chính phủ và nhận đút lót. Các công ty và những người bị Mỹ “soi” này cũng liên quan các mảng lập đồn điền, dịch vụ tài chính và an ninh.

Bộ cũng nói rằng vị cựu tướng này bị cất khỏi chức tham mưu trưởng RCAF vì “không chịu chia sẻ lợi nhuận có từ làm ăn bất chính với một số quan chức cấp cao trong chính phủ Campuchia”.

Mỹ siết chặt trừng phạt Iran

Ngày 11/12, Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt Iran khi liệt một số cá nhân và thực thể của nước Cộng hòa Hồi giáo này vào “danh sách đen”. Truyền thông Mỹ đưa tin Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các đòn trừng phạt mới nhằm vào 5 thực thể, hai tàu biển và một cá nhân của Iran.

Phát biểu trước báo giới cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận 3 trong số các thực thể bị trừng phạt là các công ty vận tải, trong đó có Hãng hàng không lớn nhất của Iran là Mahan Air, liên quan tới vai trò đáng ngờ của chúng đối với việc phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo cáo buộc của Washington, các hãng vận chuyển trên đã đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt tới Yemen.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington sẽ tiếp tục chính sách trừng phạt nhằm gây sức ép tối đa đối với Tehran.  

Máy bay Boeing 737 MAX sẽ không được cấp lại giấy phép bay trước năm 2020

Giám đốc Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) Steve Dickson ngày 11/12 cho biết máy bay Boeing 737 MAX, loại đã bị cấm bay từ tháng 3 vừa qua sau hai vụ rơi làm hàng trăm người thiệt mạng, sẽ không được cấp chứng chỉ bay lại cho đến năm 2020.

ông Dickson cho biết tiến trình phê chuẩn nối lại hoạt động bay cho máy bay 737 MAX vẫn còn 10 hoặc 11 mốc quan trọng, trong đó việc bay cấp chứng chỉ và một giai đoạn nhận xét của dư luận. Ước tính, có thể thấy tiến trình này "sẽ kéo dài sang năm 2020".

Trước đó, Boeing bày tỏ mong muốn tháng 12/2019 sẽ nối lại hoạt động giao hàng cho các hàng hãng không và tháng 1/2020 sẽ nhận được sự chấp thuận của FAA cho phép các hãng hàng không Mỹ sử dụng trở lại loại máy bay này. Tuy nhiên, FAA cho biết có rất nhiều sức ép đối với việc sớm đưa loại máy bay này trở lại hoạt động thương mại.

Iran đập ta​n cuộc tấn công mạng quy mô lớn từ nước ngoài

Ngày 11/12, Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông Iran thông báo đã chặn đứng một vụ tấn công mạng quy mô lớn từ nước ngoài nhằm vào cơ sở hạ tầng của nước này.

Hãng thông tấn Mehr dẫn lời Bộ trưởng Công nghệ thông tin và truyền thông Iran Mohammad Javad Azari-Jahromi cho hay nước này vừa phải đối mặt với một vụ tấn công do chính phủ nước ngoài bảo trợ và được lên kế hoạch kỹ nhằm vào cơ sở hạ tầng điện tử của chính phủ.

Ông Azari-Jahromi nhấn mạnh đây là vụ tấn công có quy mô rất lớn. 

Trung Quốc gặp khó dù tung tiền tỷ mua quyền lực mềm

Báo cáo công bố hôm 10/12 từ phòng nghiên cứu AidData (Đại học William & Mary ở Virginia, Mỹ) cho biết, Trung Quốc trong 6 năm đã tăng gấp đôi ngân sách đối ngoại lên 60 tỷ NDT (8,5 tỷ USD) nhằm tăng cường hoạt động ngoại giao toàn cầu. "Bộ công cụ” để Bắc Kinh gây ảnh hưởng gồm các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động truyền thông, thành phố kết nghĩa, giao lưu quân sự…

Tuy nhiên, các dự án của Bắc Kinh tại các nước đang vấp phải không ít tranh cãi. Báo cáo nhấn mạnh, trên khắp Nam Á, "khả năng hòa nhập với người dân bình thường" của Bắc Kinh là "vô cùng hời hợt". Tại Kazakhstan, đã xuất hiện hiện tượng “bài Trung Quốc". Mặt khác, nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc cũng khiến không ít quốc gia châu Á lo ngại.

Triều Tiên có thể sắp phóng tên lửa đạo đạo xuyên lục địa

Bình Nhưỡng nhiều khả năng phóng tên lửa Hwasong-15 hiện đại nhất để bày tỏ sự không hài lòng với Washington, chuyên gia Mỹ cảnh báo hôm 10/12. Theo đó, các kỹ sư tên lửa và quân đội Triều Tiên đang tìm cách cải thiện hiệu quả và mức độ tin cậy của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15.

Vann H. Van Diepen - cựu quan chức tình báo và ngoại giao Mỹ cho biết, Bình Nhưỡng có thể chọn giải pháp khai hỏa tên lửa Hwasong-15 nếu nước này quyết định chấm dứt lệnh ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa được công bố vào năm 2017.

WTO gia hạn lệnh cấm đánh thuế giao dịch kỹ thuật số thêm 6 tháng

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 10/12 đã thông qua việc gia hạn lệnh cấm đánh thuế giao dịch kỹ thuật số cho đến Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 tại Kazakhstan vào tháng 6/2020. Lệnh cấm có giá trị ước tính 225 tỷ USD/năm được thực thi từ năm 1998, hết hiệu lực vào tháng 12/2019.

Quyết định của Đại hội đồng WTO sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia đang rất cẩn trọng xem xét tới việc đánh loại thuế này trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch điện tử được thực hiện. Một số nước cho rằng điều này có thể dẫn đến việc áp thuế trả đũa lẫn nhau, đơn cử như sự căng thẳng gần đây giữa Pháp và Mỹ.

Dải băng Greenland tan nhanh, 400 triệu người sống chung với lũ năm 2100

Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature hôm 10/12 cho thấy, Greenland đã mất 3,8 nghìn tỷ tấn băng kể từ năm 1992, đủ để đẩy mực nước biển toàn cầu dâng cao thêm 10,6 mm. Tỷ lệ băng tan đã tăng từ 33 tỷ tấn mỗi năm trong thập niên 1990 lên 254 tỷ tấn mỗi năm trong thập kỷ vừa qua.

Nghiên cứu cũng cho thấy băng ở Greenland đang tan nhanh hơn dự kiến và có thể đẩy mực nước biển tăng cao hơn 67 cm vào năm 2100, nâng tổng số người bị ảnh hưởng lên tới 400 triệu. “Đây không phải viễn cảnh xa vời bởi thực tế là nó đang diễn ra và tàn phá các cộng đồng ven biển", Giáo sư Andrew Shepherd từ Đại học Leeds, trưởng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 12/12: Cứu hộ chưa thể tiếp cận đảo núi lửa New Zealand