Phong tục đón Tết vòng quanh thế giới

Hà Kim| 01/01/2016 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thế giới vừa trai qua thời khắc giao thừa, đón năm mới. Đây là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực lại có một có phong tục độc đáo, nét văn hóa riêng khi đón năm mới.

Anh

Lễ hội năm mới ở Anh lúc nào cũng tràn ngập sắc màu. Đây được xem như lễ hội quan trọng nhất của họ. Đặc biệt, người Anh rất coi trọng “tục xông nhà” đầu năm mới. Họ thường chọn một thanh niên có mái tóc đen, chưa vợ mang theo tiền, một mẩu than hoặc bánh mì. Những vật này tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn và hạnh phúc.

Phong tục đón Tết vòng quanh thế giới

Khi thời khắc giao thừa tới, mọi người tập hợp trung ở quảng trường Berkley chờ đồng hồ điểm 12 giờ

Khi thời khắc giao thừa tới, mọi người tập hợp trung ở quảng trường Berkley, cùng nhau hát vang các bài hát truyền thống. Rồi đến những bữa tiệc linh đình, cùng những điệu nhạc dân tộc và khiêu vũ, pháo hoa… tất cả vẽ nên một bức tranh đón chào năm mới không thể quên được của người dân nước này.

Đức

Năm mới ở Đức được gọi là Nuejahr. Người Đức tổ chức tiệc chia tay năm cũ và đón chào năm mới theo vũ điệu rock. Họ ca hát, nhảy múa, chúc tụng nhau… và vẫn không quên những phong tục truyền thống của dân tộc mình.

Khi đồng hồ điểm 0h đêm Giao thừa cũng là lúc mà người dân ở Đức ôm và trao nhau những nụ hôn nồng thắm, chúc nhau năm mới an lành. Sau đó, mỗi gia đình quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn. Người Đức quan niệm nếu ăn cà rốt và bắp cải sẽ mang đến sự ổn định về tài chính.

Pháp

Phong tục đón Tết vòng quanh thế giới

Lễ hội đón năm mới ở Pháp được xem như “lễ hội ánh sáng”

Người Pháp gọi đêm Giao thừa là La Saint-Sylvestre. Người dân nước này quan niệm một buổi tiệc tối linh đình trong trong thời gian này sẽ mang đến thịnh vượng cho gia đình họ trong năm tới. Thức ăn của bữa tiệc thường là bánh nướng, thịt vịt hoặc ngỗng và rượu champagne.

Lễ hội đón năm mới ở Pháp được xem như “lễ hội ánh sáng”. Người dân tham gia vào các cuộc diễu hành với ánh sáng lung linh của ngọn đuốc và cùng nhau uống rượu mừng năm mới. Theo phong tục, năm mới cũng là dịp để người Pháp thể hiện tình yêu đôi lứa. Họ ôm hôn nhau chúc mừng năm mới.

Nga

Biểu tượng năm mới ở Nga là “cây năm mới”, gọi là Novogodnaya Yolka, với những ngôi sao rực sáng đèn. Năm mới là dịp để cha mẹ trao quà cho các con dưới cây này. Đặc biệt, người Nga có phong tục lắng nghe Tổng thống đọc lời chúc Tết đầu năm.

Tây Ban Nha

Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm Giao thừa, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, thông qua tiếng đàn hát và những trò chơi để chúc mừng lẫn nhau. Khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu nửa đêm, cũng là thời khắc chuyển qua năm mới, mọi người liền tranh nhau ăn nho.

Họ quan niệm rằng, nếu có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ, bạn sẽ là người may mắn vì suốt 12 tháng trong năm tất cả mọi việc đều đạt như ý muốn.

Ba Lan

Phong tục đón Tết vòng quanh thế giới

Ðúng 12 giờ đêm, mọi người uống cạn ly rượu, ôm hôn, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới

Tại Ba Lan cũng như ở các nước châu Âu khác, đêm 31/12 rạng sáng 1/1 là thời gian của những cuộc vui, trò chơi, vũ hội và những hội hoá trang. Đàn ông ăn mặc như đàn bà đeo mặt nạ trùm kín đầu, trẻ con vẽ thêm râu, thêm tai dài… để cho mọi người không thể nhận ra.

Trước lúc nửa đêm người ta thường đếm ngược thời gian. Ðúng 12 giờ đêm, mọi người uống cạn ly rượu, ôm hôn, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới.

Thụy Sĩ

Người Thụy Sĩ đón Tết vào ngày 13 tháng 1 (theo lịch Julian cũ). Trong ngày này, mọi người đổ ra đường trong mặc những bộ quần áo, mũ truyền thống để cầu may và xua đuổi tà ma. Người ta tin rằng sẽ gặp may mắn khi để những giọt kem rơi trên nền nhà vào ngày đầu năm vì như vậy sẽ có nhiều của cải tràn vào nhà.

Ý

Một trong những phong tục không thể thiếu trong đêm Giao thừa của người Ý là ăn nho, bánh và tổ chức nhiều cuộc vui. Đặc biệt, trong ngày đẩu tiên của năm mới, người dân Italy thi nhau nhảy xuống con sông Tiber từ cây cầu Cavour với đức tin hành động này mang lại may mắn và thành công cho mọi người trong năm mới. Tục lệ này có từ năm 1946.

Đan Mạch

Đập vỡ những chiếc đĩa ở trước cửa nhà hàng xóm được coi là một tục lệ không thể không thực hiện trong dịp năm mới. Gia đình nào có mảnh đĩa vỡ trước cửa được đánh giá là gia đình rất may mắn vì điều đó đồng nghĩa rằng họ có rất nhiều bạn bè.

Hy Lạp

Vào thời khắc giao thời, người mẹ trong gia đình sẽ ra sân, mang theo quả lựu đập mạnh vào tường. Nếu hạt lựu rơi vãi khắp nơi sẽ có nhiều may mắn. Ngoài ra, người dân còn ôm đá qua cửa nhà mình, cầu cho năm mới được mùa bội thu.

Hungary

Trong ngày Tết Dương lịch, người Hungary cấm kỵ ăn gia cầm và các loại cá. Giữa bạn bè thân thiết, người ta thường tặng cho nhau một chú heo con và bức tượng bằng sứ hình người lao công dọn ống khói để biểu thị lời chúc phúc tốt đẹp.

Mỹ

Người Mỹ quan niệm bước sang năm mới là phải “làm mới” mình. Năm mới mang đến sự quyến rũ và may mắn. Thanh niên Mỹ thường đeo mặt nạ và tổ chức những buổi tiệc nhỏ và vui chơi bên bạn bè, gia đình trước thời khắc giao thừa. Khi đồng hồ điểm đúng thời khắc giao thừa, họ sẽ gỡ bỏ mặt nạ và khui rượu Champagne mừng năm mới.

Phong tục đón Tết vòng quanh thế giới

Đêm Giao thừa ở quảng trường Time, New York

Giao thừa là thời khắc mà người Mỹ chứng kiến nghi thức thả quả cầu rực sáng ánh đèn ở quảng trường Time, New York. Bầu trời chói sáng giữa những làn pháo hoa và màn trình diễn ánh sáng đẹp mắt. Vào khoảnh khắc giao thời, nhiều cặp tình nhân trao những nụ hôn ngọt ngào, thậm chí có không ít chàng trai cầu hôn bạn gái vào thời khắc quan trọng này.

Argentina

Đúng 12h đêm Giao thừa, ở Argentina, mọi người sẽ bước lên phía trước bằng chân phải để bắt đầu một năm mới. Ngoài ra, người dân Argentina còn tâm niệm, nếu mặc đồ lót mới màu hồng thì tình yêu sẽ đến.

Brazil

Brazil là quốc gia được cả thế giới chú ý về màn trình diễn pháo bông mừng năm mới. Lễ hội mừng năm mới luôn diễn ra trong không khí thật tưng bừng, sôi động.

Đêm Giao thừa mang một ý nghĩa quan trọng trong buổi lễ đón chào năm mới của người Brazil. Tất cả mọi người cùng tụ họp bên bãi biển Copacabana nổi tiếng thế giới để chào đón giờ khắc bước sang năm mới. Họ quan niệm nếu nhảy qua 7 ngọn sóng trong đêm Giao thừa thì điều ước sẽ trở thành hiện thực.

Ecuador

Có một phong tục độc nhất vô nhị ở Ecuador là làm những con bù nhìn bằng rơm và đốt chúng vào thời khắc giao thừa. Theo quan niệm của người Ecuador, ý nghĩa cốt lõi của tục lệ này là để xua đuổi những điều xấu xa, không tốt trong năm đã qua và cầu mong hạnh phúc, may mắn cho cả năm mới.

Paraguay

Phong tục đón Tết vòng quanh thế giới

Tưng bừng đón năm mới

Người Paraguay quy định năm ngày cuối cùng của năm là "ngày hàn thực". Trong năm ngày này, từ nguyên thủ quốc gia, đến mọi dân thường đều không được nhóm lửa, đốt lò, chỉ có thể ăn đồ nguội, thức ăn đã làm sẵn từ trước. Đến ngày Tết Dương lịch 1/1 mới được phép nhóm lò nấu bếp để cầu chúc một năm mới ấm no, tốt lành.

Ở Nam Phi

Trong đêm Giao thừa, người dân Johannesburg và đặc biệt là cư dân Sith Baltic sẽ đem vứt tất cả đồ nội thất cũ ra ngoài cửa sổ với thông điệp vứt bỏ mọi điều không may trong năm cũ. Đồ vật bị vứt đi có thể là một chiếc lò vi sóng, TV hay thậm chí là cả một chiếc giường.

Ấn Độ

Ngày Tết Dương lịch ở Ấn Độ gọi là "ngày Tết đau khổ" hoặc gọi là "ngày Tết cấm thực". Ngay ngày đầu tiên của năm mới, mọi người không được tức giận, càng không được phép nổi cáu, cãi cọ với người khác.

Ở một số nơi, ngày Tết không những không chúc phúc nhau mà còn ôm nhau khóc thảm thiết. Họ quan niệm rằng, mỗi khi năm mới bắt đầu, tuổi thọ lại mất đi, đời người càng thêm ngắn ngủi, tiếng khóc là để bày tỏ sự xót thương, than thở cho bản thân. Có nơi, người ta sẽ nhịn ăn một ngày một đêm để chào năm mới. Thời gian nhịn ăn được tính từ bình minh ngày đầu tiên của năm mới cho đến nửa đêm.

Nhật

Phong tục đón Tết vòng quanh thế giới

Người Nhật coi Tết dương lịch là ngày Tết chính

Do ảnh hưởng văn hoá phương Tây nên người Nhật từ lâu đã không đón Tết theo thời gian âm lịch như một số nước châu Á khác. Trong tâm linh người Nhật đã coi Tết Dương lịch là ngày lễ Tết chính.

Trong buổi sáng tinh mơ ngày đầu năm, mọi thành viên trong các gia đình người Nhật cùng nhau đổ ra đường để chào đón bình minh đầu tiên của năm mới. Sau đó, mọi người rủ nhau lên chùa để bái Phật, cầu nguyện hoặc đến nhà người thân, bạn bè để chúc Tết nhau.

Sau khi chuông đồng hồ báo mừng năm mới, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem được làm đặc biệt cho đêm Giao thừa. Người nào ăn phải đồng tiền được giấu trong bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới.

Philippines

Người dân Philippines quan niệm hình tròn tượng trưng cho sự may mắn và giàu có. Bởi vậy, vào ngày Tết, người Philippines thường ăn hoa quả, thức ăn hình tròn, mặc đồ họa tiết chấm bi để mong một năm mới "tròn trịa", viên mãn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong tục đón Tết vòng quanh thế giới